Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đầu tư lớn cho khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo

(CTT – Đồng Nai) - Đông Nam bộ không chỉ là đầu tàu của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hóa mà còn hội tụ nhiều lợi thế nổi trội về nghiên cứu ứng dụng, triển khai KH-CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp và phát triển thị trường KH-CN. Tổng kinh phí sự nghiệp KH-CN do Trung ương cân đối cho 7 tỉnh/thành khu vực Đông Nam Bộ là hơn 4,7 ngàn tỷ đồng. Kinh phí được UBND các tỉnh/thành phố phê duyệt là hơn 7,9 ngàn tỷ đồng, vượt 67,1% so với kinh phí Trung ương cân đối.

Đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội
Theo thống kê của Vụ Phát triển KH-CN địa phương (Bộ KH-CN), giai đoạn 2019-2023, mặc dù chịu tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn giữ vững mức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước.
Cụ thể, năm 2020, vùng Đông Nam bộ đóng góp 32% GDP cả nước, chiếm 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. 2 năm sau đó, kết quả lần lượt là 30% và 30,8%. Trong đó, TP.HCM đạt 63,7 tỷ USD, tỉnh Bình Dương đạt trên 19,1 tỷ USD, tỉnh Đồng Nai đạt 18,6 tỷ USD, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt trên 16,8 tỷ USD. GDP bình quân đầu người toàn vùng đạt 6,9 ngàn USD/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước 2,8 ngàn USD.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham gia một sự kiện về KH-CN và ĐMST do Sở KH-CN tổ chức
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham gia một sự kiện về KH-CN và ĐMST do Sở KH-CN tổ chức

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các địa phương chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương. Trong đó, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao như: cơ khí chính xác, công nghiệp chế biến thực phẩm, điện tử - tin học, sản xuất các thiết bị tự động hóa, thiết bị y tế, năng lượng, sản xuất vật liệu mới, phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, dầu khí, công nghiệp phần mềm. Riêng TP.HCM đã hình thành được 135 nhóm nghiên cứu mạnh và năng động, tham gia hợp tác quốc tế.
Tại Đồng Nai, theo Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, đã triển khai nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển và khai thác công nghiệp phụ trợ, các lĩnh vực điện tử hàng không, chế biến thực phẩm và hóa chất giá trị cao. Ưu tiên các ngành nghề tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường…
Ở lĩnh vực xây dựng, tỉnh đã đưa vào ứng dụng đề tài Ứng dụng hình ảnh viễn thám và GIS trợ giúp quản lý, quy hoạch trong một số khu vực phát triển trọng điểm của tỉnh Đồng Nai. Đồng thời phối hợp với ngành TN-MT trong lập quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện và quản lý quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2000 các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 2 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn. Tỉnh đã xây dựng được 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1,4 ngàn ha cây trồng và hơn 23,7 ngàn vật nuôi; gần 149 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đối với cây trồng trên diện tích hơn 57,6 ngàn ha.
Phong trào tự sản xuất, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt được nhiều nông dân quan tâm ứng dụng. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại đạt khoảng 90%. Trong đó có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trị ứng dụng công nghệ tự động hóa; khoảng 45% tổng đàn heo và 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc. Sản lượng heo, gà cung cấp ra thị trường đạt chứng nhận VietGAHP ngày càng tăng.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
Để KH-CN và ĐMST thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, ban hành thêm các chính sách hỗ trợ, dành nhiều nguồn lực để phát triển KH-CN và ĐMST; nâng cao năng lực KH-CN cho các viện, trường, phát triển các hệ sinh thái ĐMST đã được hình thành trước đó.
Còn theo Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai Lại Thế Thông, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 6 doanh nghiệp KH-CN. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, trong đó có quy định việc giao các nhiệm vụ KH-CN phải được thực hiện theo Luật Đấu thầu với các hình thức lựa chọn nhà thầu như: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện. Những quy định này đã và đang gây khó khăn cho các Tập đoàn, Tổng công ty và các tổ chức KH-CN trực thuộc. Vì quy trình thực hiện kéo dài, khối lượng hồ sơ lớn dẫn đến chậm trễ trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, ảnh hưởng đến việc đưa các kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới vào thực tế sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.
Do vậy, tỉnh Đồng Nai kiến nghị các Cục, Vụ có liên quan trực thuộc Bộ KH-CN sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể trong triển khai chính sách phát triển doanh nghiệp KH-CN và hỗ trợ ĐMST.

Lãnh đạo Sở KH-CN các tỉnh miền Đông Nam bộ tham gia hội nghị giao ban KH-CN vùng Đông Nam Bộ năm 2023
Lãnh đạo Sở KH-CN các tỉnh miền Đông Nam bộ tham gia hội nghị giao ban KH-CN vùng Đông Nam Bộ năm 2023

Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH-CN đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ ghi nhận những kiến nghị của các địa phương chủ động nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ.
Để KH-CN và ĐMST thực sự là động lực của sự phát triển, lãnh đạo Bộ KH-CN đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này, lấy KH-CN và ĐMST, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá kinh tế địa phương theo hướng hiện đại.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOOP của các địa phương trong tỉnh
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOOP của các địa phương trong tỉnh

Ngoài ra, các địa phương cần nỗ lực đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ sạch, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, của vùng theo chuỗi sản phẩm/chuỗi giá trị. Tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KH-CN và ĐMST, phát triển nguồn nhân lực KH-CN, thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN đầu ngành, những người làm khoa học tài năng và các nhà khoa học nước ngoài để hỗ trợ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các địa phương cần chủ động có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho KH-CN và ĐMST, nhất là các doanh nghiệp, gắn với doanh nghiệp. Tăng cường liên kết viện - trường và doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia.
Việt Anh

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang