Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Doanh nghiệp gỗ đối mặt nhiều khó khăn

Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III-2022 do Bộ NN-PTNT phối hợp với các hiệp hội gỗ tổ chức tại Đồng Nai vào cuối tháng 7 vừa qua, đại diện nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends đã công bố kết quả khảo sát nhanh đối với 52 DN ngành gỗ do vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua.

Hoạt động sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa.
Hoạt động sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa.

Theo đó, trong 45 DN hiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ có 33 DN cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%). Xu thế tương tự đối với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 DN tham gia thị trường này có tới 24 DN cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 DN cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 DN tham gia thị trường này thì 17 DN thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%. Khoảng 71% DN cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các DN, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng nguồn thu của DN sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends chia sẻ, hiện DN đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào. Câu hỏi đặt ra là DN làm gì trong bối cảnh này. Báo cáo nghiên cứu cho thấy, 71,2% DN cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% DN cho biết sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% DN cho biết sẽ chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu… 44,2% DN cho biết có thể cầm cự được từ 3-6 tháng, 23,1% DN cho biết sẽ cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% có thể cầm cự dưới 3 tháng. Về phía các DN cũng kiến nghị cơ quan chức năng như giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, giảm/chậm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất…

Từ những số liệu từ cuộc khảo sát trên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.
 
Trước những khó khăn về tình hình xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU, nhiều DN, hiệp hội về gỗ xuất khẩu kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm có phương án tháo gỡ, nhất là các phương án hỗ trợ về vay vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì đơn hàng cho các DN chế biến gỗ xuất khẩu.
 
Ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch thường trực Dowa chia sẻ, qua khảo sát nhanh chúng tôi thấy, trong tháng 7, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30%, cả thị trường nội địa cũng giảm, doanh thu của nhiều DN giảm khoảng 50%, thậm chí một vài DN bị gián đoạn sản xuất. Dự báo, tình hình còn khó khăn hơn trong những tháng tới đây. Do đó, lãnh đạo Dowa kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói cứu trợ DN, đồng thời, hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn sẽ đặt hàng trở lại.
 
Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III-2022 do Bộ NN-PTNT phối hợp với các hiệp hội gỗ tổ chức tại Đồng Nai vào cuối tháng 7-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chia sẻ, hội nghị là dịp để các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội liên quan tìm ra các giải pháp trong ngắn hạn nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các DN chế biến gỗ xuất khẩu đang gặp phải... Về lâu dài, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, DN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ để tìm kiếm các thị trường mới, thị trường tiềm năng; mở rộng sản xuất, hợp tác đầu tư sản xuất với các DN nước ngoài; phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, từng bước giảm gỗ nhập khẩu...
Nam Hữu

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang