Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng Nai giải bài toàn số lượng và chất lượng giáo viên

Để nâng cao chất lượng dạy và học, yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, Đồng Nai phải giải quyết được số lượng và chất lượng giáo viên. Đây thực sự là bài toán khó khi ngày càng có ít học sinh khối 12 có học lực khá giỏi mong muốn bước chân vào ngành sư phạm.

Trường Đại học Đồng Nai tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp năm 2022
Trường Đại học Đồng Nai tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp năm 2022

UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo về rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo nhân lực ngành Sư phạm giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 tỉnh cần gần 5,7 ngàn giáo viên, bình quân mỗi năm tỉnh cần trung bình trên 1,4 ngàn giáo viên. Trong đó, năm 2022 cần 2.441 giáo viên, năm 2023 cần 1.136 giáo viên, năm 2024 là 1.075 giáo viên và năm 2025 là 1.044 giáo viên.

Cần chính sách đồng bộ

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Đồng Nai cho biết: “Với việc có thêm chính sách thu hút mới theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên ngành Sư phạm, ngoài miễn học phí, mỗi tháng sinh viên được hỗ trợ 3,63 triệu đồng chi phí học tập, Trường ĐH Đồng Nai kỳ vọng năm 2022 này sẽ thu hút được nhiều học sinh có học lực khá, giỏi vào các ngành Sư phạm, trong đó có cả những ngành từ trước đến nay khó thu hút người học”.

Em Nguyễn Ngọc Nam, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa), chia sẻ cha mẹ đều định hướng cho em theo học ngành Sư phạm để có tương lai ổn định. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ ngành này, điều kiện việc làm và thu nhập của giáo viên, nhất là với giáo viên công tác ở các trường công lập, em lại quyết định “ngả” sang ngành kinh tế, bởi thu nhập của sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp ra trường rất thấp. Thậm chí, có những giáo viên dạy lâu năm nhưng mức lương chưa đầy 10 triệu đồng/tháng.

Trong một chương trình hướng nghiệp tổ chức tại Trường ĐH Đồng Nai mới đây, em Võ Thị Trúc Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), nêu băn khoăn: “Em muốn học ngành Sư phạm để cha mẹ bớt áp lực tài chính kéo dài 4 năm học. Nhưng điều làm em băn khoăn nhất là cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp đại học liệu có được đảm bảo? Chẳng hạn như em có được bố trí việc làm theo nguyện vọng, có được mức thu nhập phù hợp với năng lực và không quá khác biệt với nhiều ngành nghề “hot” hiện nay?”.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Biên Hòa cho biết, học sinh có học lực khá, giỏi thường ít chọn ngành Sư phạm, dù nhà trường có định hướng giới thiệu ngành nghề này. Những em có học lực khá, giỏi thường ưu tiên số một là nhóm ngành: Y dược, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Kiến trúc hay những ngành mới và rất “hot” như thương mại điện tử, logistics. Với những ngành này, nếu tốt nghiệp loại giỏi ra trường thì các em sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm kèm theo thu nhập cao mà ngành Sư phạm khó “sánh” được.

Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) dạy học trực tuyến cho học sinh trong mùa dịch Covid-19 vừa qua
Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) dạy học trực tuyến cho học sinh trong mùa dịch Covid-19 vừa qua

Bài toán chính sách lâu dài

Theo Sở GD-ĐT, hiện nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu giáo viên các môn học, nhất là Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Thể dục. Những môn học này các trường đại học sư phạm tuyển sinh và đào tạo không đủ cung cấp, thậm chí không tuyển sinh đủ để mở lớp đào tạo. Việc thiếu nhiều giáo viên ở các môn học trên dẫn tới năm học 2022 - 2023 khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các bậc học gặp rất nhiều khó khăn.

Từ kết quả rà soát của Sở GD-ĐT về nhu cầu nguồn nhân lực sư phạm cho hệ thống các cơ sở giáo dục của tỉnh. Từ nay đến năm 2025 tỉnh cần gần 5,7 ngàn giáo viên, bình quân mỗi năm tỉnh cần trung bình trên 1,4 ngàn giáo viên.

Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hải Anh cho rằng: Muốn thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm và “giữ chân” được giáo viên với ngành thì phải cải cách chính sách tiền lương, bởi tốt nghiệp đại học sư phạm mà lương khởi điểm chỉ hơn 3 triệu đồng sẽ rất khó thu hút. Có nhiều nguyên nhân khó tuyển dụng, trong đó có các trường đại học không tuyển được sinh viên để đào tạo, hay một số ngành Sư phạm như: Âm nhạc, Mỹ thuật sau khi sinh viên tốt nghiệp đi làm ở ngoài thu nhập cao hơn nhiều so với đi dạy.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, hệ thống trường lớp lên tới trên 800 trường, số lượng giáo viên trên 32 ngàn người, số lượng học sinh trên 700 ngàn em. Với quy mô ngành Giáo dục lớn như vậy nên nhu cầu tuyển dụng giáo viên hằng năm là rất lớn để thay thế cho giáo viên đến tuổi về hưu, số trường lớp được thành lập mới. Đặc biệt, khi tỉnh đang từng bước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhu cầu giáo viên sẽ ngày một tăng.
Thọ Vực

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang