Sản xuất các sản phẩm từ gỗ và lâm sản là một trong những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất của Đồng Nai. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu đang ngày càng trở nên phức tạp.
Thị trường xuất khẩu đang đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) sản xuất gỗ nói riêng và ngành gỗ Đồng Nai phải thay đổi tư duy sản xuất để phát triển bền vững.
DN đổi mới tư duy sản xuất
Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) chuyên sản xuất các sản phẩm đèn trang trí nội thất có nguồn gốc từ gỗ và lâm sản xuất khẩu đi các nước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Úc...
Dù chỉ là DN nhỏ nhưng khi làm ăn với đối tác nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và EU, Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh xem sản xuất mang tính bền vững là một yếu tố “sống còn”. Do đó, phần lớn sản phẩm như thân đèn, đế, phụ kiện được làm từ mây tre đan, lục bình, gỗ và gốm sứ được công ty đặt hàng các làng nghề trong cả nước thực hiện theo dạng thủ công và buộc phải có nguồn gốc gỗ rõ ràng.
Sản xuất đèn trang trí nội thất xuất khẩu tại Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom)
“Khách hàng từ Mỹ của chúng tôi đặc biệt coi trọng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hằng tháng, hằng quý vẫn cử người đến kiểm tra quy trình sản xuất của công ty. Đôi khi chỉ vì lơ là trong việc thu mua, kiểm tra nguồn gốc nguyên, vật liệu không được chứng nhận thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đơn hàng và sự hợp tác vì yếu tố sản xuất bền vững ở các nước phát triển là rất quan trọng” - ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc công ty cho hay.
Tương tự, ở lĩnh vực đồ gỗ, Công ty TNHH Hoài Phú Long (huyện Vĩnh Cửu) mỗi tháng xuất khẩu 40 container sản phẩm. Tuy nhiên đối với thị trường EU, DN hầu như vẫn đang bước đầu “dò dẫm” để bán hàng. Theo ông Tạ Ngọc Hoài, Giám đốc công ty thì để vào EU, DN phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật như: đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn lao động và môi trường.
“Muốn được cấp đạt các chứng nhận này thường rất khó và mất nhiều thời gian, DN vẫn đang nỗ lực để đổi mới tư duy cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm từng bước phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn” - ông Tạ Ngọc Hoài khẳng định.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Australia... đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ, đòi hỏi đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Yêu cầu này dẫn đến ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Do đó, liên kết với người dân phát triển rừng trồng hợp pháp, đúng quy chuẩn là cách phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Trước đây, DN Việt Nam chủ yếu nhập gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Nhưng xu hướng hiện nay là chủ động tạo nguồn nguyên liệu hợp pháp ở trong nước, nhất là với DN xuất khẩu đồ gỗ. Mô hình này tạo ra lợi thế về giá và có nguồn nguyên liệu bền vững, cắt được khâu trung gian, lại góp phần bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Scansia Pacific - DN chuyên sản xuất các sản phẩm nội ngoại thất từ mây, tre, nứa, gỗ xuất khẩu đóng tại huyện Nhơn Trạch cho hay, hiện công ty đang tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững và hợp pháp. Theo đó, Scansia Pacific đã hợp tác với tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng vùng rừng nguyên liệu với diện tích gần 2,9 ngàn hécta, chủ yếu do người dân trồng và chăm sóc. “Hợp tác với người dân trồng rừng nguyên liệu sẽ giúp công ty ổn định đầu vào sản xuất. Những nước ở châu Âu là thị trường chính của chúng tôi rất nghiêm ngặt trong việc kiểm tra nguồn gốc gỗ, phải đạt chứng chỉ quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái” - ông Thắng chia sẻ.
Xây dựng đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai có gần 200 ngàn hécta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó khoảng 40 ngàn hécta rừng phòng hộ, 35 ngàn hécta rừng sản xuất, gần 40 ngàn hécta trồng cao su cùng với diện tích đáng kể cây trồng phân tán.
Một trong những khó khăn hiện nay là nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Do tỉnh đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng từ năm 1997 nên từ đó không còn nguồn nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên. Hiện diện tích rừng trồng trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nguyên liệu mỗi năm.
Nhiều DN trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ mong muốn có những chính sách mới hơn, thông thoáng hơn, đi kèm với các biện pháp hữu hiệu để phát triển rừng nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu.
Đầu tháng 11-2018, Đồng Nai đã tổ chức hội nghị định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành gỗ nhằm lấy ý kiến rộng rãi các DN. Mới đây nhất, ngày 30-8-2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề cương xây dựng đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng đề án được thực hiện trong 9 tháng sau khi đề cương được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định, nguồn vốn thực hiện từ ngân sách tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc xây dựng đề án chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường. Kỳ vọng của đề án là sẽ đưa ngành sản xuất, chế biến lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đồng thời gắn với phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.
Ngành sản xuất đồ gỗ gặp khó khăn về nguyên liệu còn do các thương lái thu mua và xuất khẩu qua các nước dưới dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, hiện một số nước lân cận đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng như: Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar... dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Điều này đòi hỏi DN muốn phát triển bền vững phải tạo được nguồn cung gỗ ổn định, hợp pháp.
Văn Gia