Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang liệt sĩ TP. Long Khánh có 3 cựu chiến binh (CCB) hàng ngày vẫn làm công việc chăm sóc và bảo vệ nghĩa trang. Với họ, công việc này không chỉ để mưu sinh mà còn là một cách để tri ân những đồng chí, đồng đội, các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Luân vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh chuẩn bị cho ngày 27/7.
Hàng năm, từ giữa tháng 7 trở đi là thời điểm bận rộn nhất của những người làm công tác quản trang ở các nghĩa trang liệt sĩ. Vào những ngày này, họ không chỉ làm công việc hàng ngày của mình mà còn tiếp đón, hướng dẫn cho nhiều người đến viếng thăm mộ liệt sĩ.
Tất bật chuẩn bị ngày 27-7
Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nơi yên nghỉ của khoảng 4,3 ngàn liệt sĩ, trước Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7), mỗi ngày có hàng chục khách đến viếng, đa phần là thân nhân liệt sĩ, CCB thăm chiến trường xưa, đoàn viên, thanh niên của các cơ quan đến dọn dẹp khu mộ liệt sĩ được phân công chăm sóc...
Cũng vì nhiều đoàn đến thăm như vậy nên công việc quản trang của CCB Nguyễn Viết Luân (ngụ TP. Biên Hòa, nguyên là chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22, Quân đoàn 4) bận rộn hơn nhiều. Ông phải trực tiếp hướng dẫn họ đến tận vị trí khu mộ của người thân. Đoàn khách này vừa ra lại có đoàn khác vào. Có khi sau giờ hành chính nhưng vẫn có đoàn khách đến thăm nên ông vẫn phải làm việc. Trước đó, ông và một số người khác đã quét dọn, vệ sinh sạch sẽ cho hàng ngàn ngôi mộ cũng như cảnh quan nơi đây luôn sạch đẹp để đón khách về thăm.
“Hơn 22 năm làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, một phần là vì thu nhập, một phần tôi cũng muốn góp chút công sức chăm sóc các phần mộ liệt sĩ nơi đây. Vì bản thân tôi cũng từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nên rất thấu hiểu những mất mát, hy sinh vì độc lập cho đất nước hôm nay” - ông Luân tâm sự.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Long Khánh, nơi yên nghỉ của khoảng 3 ngàn liệt sĩ, CCB Nguyễn Văn Việt (ngụ TP. Long Khánh, từng làm du kích Bình Lộc trong kháng chiến chống Mỹ) cũng có hơn 17 năm làm quản trang. Những ngày tháng 7, mỗi ngày lượng khách đến viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ cũng trên dưới 10 người. Hàng ngày ngoài việc vệ sinh, dọn dẹp cho các ngôi mộ ở đây, ông còn có thói quen thắp nhang cho các ngôi mộ liệt sĩ, đặc biệt là ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ hy sinh khi đánh căn cứ Hoàng Diệu (thuộc phường Bảo Vinh, TX. Long Khánh) được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TP. Long Khánh vào năm 2014.
“Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, cuối cùng cũng đưa được các anh về nơi an nghỉ để được hương khói cho ấm cúng. Tôi và các liệt sĩ trong ngôi mộ này cũng từng chiến đấu tại mảnh đất Long Khánh nhưng tôi may mắn thoát khỏi bom đạn chiến tranh, được chứng kiến ngày giải phóng và sống khỏe mạnh đến ngày nay. Vì vậy, tôi tự thấy bản thân có trách nhiệm hương khói bù đắp cho các anh bao năm nằm lạnh lẽo dưới lòng đất” - ông Việt bộc bạch.
Tận tụy với công việc
Công việc dọn dẹp tại các nghĩa trang liệt sĩ vào mùa nắng thuận tiện hơn do cỏ ít mọc. Tuy nhiên vào mùa mưa như hiện nay khá vất vả, cỏ mọc nhanh, các lư hương nhanh chóng ngập nước nên quản trang phải dọn liên tục, nếu không sẽ bị đổ ra ngoài khiến phần mộ liệt sĩ trông nhếch nhác. “Có nhiều hôm vừa lau mộ xong, trời mưa to, cát bẩn lại bắn lên mộ khiến các quản trang phải vệ sinh lại” - ông Luân cho biết.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Việt thắp nhang tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ TP. Long Khánh.
Bên cạnh đó, công việc của một quản trang không chỉ là dọn dẹp, thắp nhang, chăm sóc, nhổ cỏ cho các phần mộ mà còn phải hướng dẫn, giải thích cho thân nhân liệt sĩ về việc tìm mộ, quy tập mộ. Nhất là với các thân nhân liệt sĩ từ xa đến, họ không có đủ thông tin về mộ liệt sĩ nên việc tìm mộ khá vất vả.
Ông Nguyễn Văn Việt kể lại: “Do trong thời chiến tranh, việc ghi chép tên tuổi các liệt sĩ hy sinh thường có sai sót, do giọng nói vùng miền khác nhau hoặc do gấp rút nên ghi sai hoặc có trường hợp nhầm tên người này với người khác... Đến khi quy tập mộ về nghĩa trang thì bia mộ lại khắc theo danh sách ghi chép. Nhiều trường hợp, ông phải dẫn đi tìm từng ngôi mộ trong nghĩa trang để xác định vị trí ngôi mộ của người thân.
“Có trường hợp thân nhân liệt sĩ làm các thủ tục bốc mộ, nhưng đến khi thử ADN lại không đúng người thân của mình. Nhìn thân nhân các liệt sĩ sau nhiều ngày lặn lội đường xa nhưng không tìm được mộ liệt sĩ khiến tôi không khỏi chạnh lòng” - ông Việt chia sẻ.
Đối với CCB Vũ Tiến Pha (ngụ TP.Biên Hòa, từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm 1979), công việc bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh không chỉ là mưu sinh mà còn mang đến cho ông nhiều niềm vui.
Là bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nên ông Pha thường xuyên hướng dẫn khách đến nơi cần tìm để giải quyết vấn đề về mộ liệt sĩ hoặc hướng dẫn các đoàn khách tham quan nghĩa trang. Ông luôn nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn gia đình liệt sĩ làm các thủ tục tìm ra mộ người thân để ấm lòng người đã khuất và yên lòng người còn sống.
“Vào những ngày kỷ niệm lớn, tôi lại gặp nhiều đồng đội năm xưa hơn, có người vào tìm mộ liệt sĩ, có người theo đoàn tham quan miền Nam ghé qua thắp nhang tại nghĩa trang... Các cuộc hội ngộ đều rất cảm động, chúng tôi có dịp ôn lại câu chuyện chiến đấu năm xưa và biết được cuộc sống của nhau sau bao nhiêu năm xa cách” - ông Pha cho biết
Đối với CCB làm việc tại các nghĩa trang liệt sĩ như ông Luân, ông Việt và ông Pha, những ngày chuẩn bị cho ngày 27/7 tuy cực mà vui. Vui vì có nhiều đoàn ghé thăm thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ, tạo không khí nơi này thêm ấm cúng hơn.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Dương Hòa Hiệp cho hay, các CCB làm công tác quản lý, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ đã làm việc với tất cả tấm lòng trong chăm sóc những phần mộ liệt sĩ và nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ nhiều thân nhân liệt sĩ viếng thăm, tìm mộ người thân.
Đăng Tùng