(CTT-Đồng Nai) - Năm 2023, H.Tân Phú phấn đấu có thêm 5 xã đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao. Những tiêu chí, chỉ tiêu gặp khó như đầu tư hạ tầng nông thôn, điện, trường học, nước sạch nông thôn…đều là những tiêu chí khó vì cần vốn đầu tư lớn, quy trình thủ tục kéo dài.

Tuyến đường giao thông tại xã Phú An. H.Tân Phú
Tuyến đường giao thông tại xã Phú An. H.Tân Phú
Nhằm đạt mục tiêu đề ra, H.Tân Phú kiến nghị cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho địa phương trong xây dựng NTM.
Nhiều khó khăn
H.Tân Phú đặt mục tiêu phấn đấu sẽ về đích huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Nhưng đến nay, toàn huyện chỉ có 9/17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt NTM nâng cao. Tuy nhiên, mục tiêu này khó hoàn thành do các xã trên còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt.
Cụ thể, xã Phú Sơn hiện có 6/19 tiêu chí chưa đạt; xã Thanh Sơn và Phú An có 5 tiêu chí chưa đạt; xã Phú Lập và Núi Tượng có 8 tiêu chí chưa đạt. Các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó thực hiện vì cần lộ trình thời gian và nguồn vốn lớn như: Đường giao thông, điện, trường học, môi trường…
Theo báo cáo của UBND H.Tân Phú, những tiêu chí khó khăn khả năng đến năm 2025 không đạt chuẩn NTM nâng cao có tiêu chí đầu tư hạ tầng giao thông. Cụ thể, hệ thống đường huyện còn 3 tuyến với tổng chiều dài gần 15km chưa được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn theo quy hoạch với nhu cầu vốn dự kiến 508 tỷ đồng. Cấp xã, toàn huyện cần phải đầu tư 69 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 74,5km với tổng kinh phí khoảng 149 tỷ đồng. Về trường học, nhu cầu dự kiến đầu tư 15 dự án với tổng vốn 296 tỷ đồng. Tỷ lệ nước sạch nông thôn đa số các xã đều chưa đạt và rất khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung của huyện chỉ đạt hơn 17%, trong khi tiêu chí đề ra là phải đạt từ 65% trở lên đối với xã NTM nâng cao.
Đại diện UBND xã Phú An cho biết, hiện xã có 14/19 tiêu chí đạt, trong đó các tiêu chí vướng gồm tiêu chí về giao thông, trường học, y tế, chất lượng môi trường sống… Khó khăn của địa phương trong xây dựng xã NTM nâng cao có nguyên nhân chuẩn Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 đến tháng 3 năm nay mới có hướng dẫn ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện. Ngoài ra, khó khăn không nhỏ là địa bàn xã rất rộng, dân cư sống rải rác khó huy động nguồn lực đầu tư giao thông. Về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung xã mới đạt tỷ lệ 19,6%. Để đạt tiêu chí nước sạch tập trung cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước tập trung và mở rộng đường ống cấp nước khoảng 22,5km là rất khó đạt trong năm 2023.
Cần cơ chế đặc thù
Theo Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký, thời gian qua địa phương lúng túng trong triển khai Bộ tiêu chí NTM giai đoạn mới 2021-2025. Các xã gặp khó khăn trong đầu tư đường giao thông; đầu tư điện phục vụ sản xuất…do khó huy động nguồn đóng góp của người dân vì địa bàn thưa dân cư, người dân còn nghèo; do vướng về quy định thủ tục…Đặc biệt, về đầu tư nước sạch có thực trạng là các Trung tâm nước sạch trên địa bàn huyện chỉ đầu tư các tuyến đường ống chính, cần được mở rộng thêm. Hoạt động của các trung tâm cấp nước tập trung còn nhiều vấn đề như nguồn cung nước thiếu ổn định, chất lượng nước còn nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân là đường ống nước xuống cấp… ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Địa phương kiến nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho H.Tân Phú .
Phó Giám đốc Sở NN-PTTN Lê Văn Gọi nhận xét, H.Tân Phú triển khai xây dựng NTM chậm hơn so với các địa phương khác của tỉnh. Việc chậm này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các xã phấn đấu về đích NTM nâng cao, kiểu mẫu trong năm 2023 còn vướng nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, địa phương cần nỗ lực nâng cấp các xã đã đạt vì khi áp vào bộ tiêu chí NTM giai đoạn mới lại không đạt. “H.Tân Phú có địa bàn rộng, số xã đông, khó khăn hơn các địa phương khác nên cần có cơ chế đặc thù cho huyện như bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, nước sạch. Tuy nhiên, địa phương cũng cần nỗ lực trong huy động nguồn xã hội hóa từ người dân, mạnh thường quân để chủ động một phần ngân sách” – ông Gọi góp ý.