Trước tình trạng các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra ngày càng nhiều, bên cạnh sự vào cuộc điều tra, xử lý, ngành Công an chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh chuẩn bị tờ rơi cảnh báo thủ đoạn của tội phạm để phát cho người dân tại các địa phương
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh chuẩn bị tờ rơi cảnh báo thủ đoạn của tội phạm để phát cho người dân tại các địa phương
Giúp dân chủ động phòng ngừa
Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương và các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã tiếp nhận nhiều thông tin, tố giác tội phạm của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trước thực trạng nhiều người dân vẫn dễ dàng “sập bẫy” đối tượng lừa đảo, các đơn vị chức năng đã tìm nhiều giải pháp để cảnh báo, phòng ngừa.
Lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để người dân nêu cao cảnh giác.
“Vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm hiện nay là làm sao để người dân thực sự nắm bắt và cảnh giác cao độ trước các thủ đoạn của loại tội phạm này. Không thể để các đối tượng tội phạm lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng công nghệ để lừa đảo ngày một nhiều như vậy” - Một lãnh đạo PA05 Công an tỉnh cho hay.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, đa phần các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo này không mới, nhưng nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng “sập bẫy”. Qua công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng cho thấy, trước khi ra tay nhằm vào một người nào đó, hầu hết các đối tượng đều nắm khá rõ các thông tin cá nhân liên quan đến người này.
Sau những lần kết nối, tiếp cận với nạn nhân, các đối tượng đã dùng các thông tin này để khiến nạn nhân phải tin tưởng vào những thông tin mà đối tượng đưa ra để từ đó dễ dàng đưa nạn nhân vào bẫy.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận hàng chục thông tin phản ảnh của người dân tố cáo các đối tượng sử dụng mạng công nghệ để lừa đảo với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, có vụ nạn nhân bị lừa đến hơn chục tỷ đồng.
Qua thực tế này cho thấy, việc giữ gìn, không để lộ, lọt các thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ nhà, cơ quan, căn cước công dân, mã OTP của ngân hàng) trên mạng xã hội là hết sức cần thiết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Một lãnh đạo PA05 Công an tỉnh cho biết, qua công tác điều tra các vụ lừa đảo trên không gian mạng cho thấy, khi nạn nhân đã “sập bẫy”, mất tiền cho các đối tượng lừa đảo thì rất khó để thu hồi lại.
Thực tế là các khoản tiền mà đối tượng lừa đảo chiếm đoạt đều được thực hiện giao dịch qua các nền tảng công nghệ như: chuyển tiền qua tài khoản, chuyển tiền qua các app, ví điện tử... Khi nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản này thì chỉ trong tích tắc nguồn tiền đã được dịch chuyển qua nhiều tài khoản khác, sau đó chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài. Vì vậy, việc lấy lại tài sản bị mất gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, một lãnh đạo PA05 Công an tỉnh cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp để nâng cao cảnh giác cho người dân là chính. Phải làm tốt công tác phòng ngừa từ xa may ra mới giảm thiểu được các vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Theo Kế hoạch số 355/KH-CAT-PA05 ngày 26-9-2022 của Công an tỉnh, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng và công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của các đơn vị, địa phương, thời gian qua nổi lên tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn: kết bạn tặng quà; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát; đầu tư chứng khoản; bán hàng online… gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tuyên truyền cho người dân, cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh về phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo của tội phạm. Qua đó, người dân nêu cao ý thức phòng ngừa, phối hợp với cơ quan công an để đấu tranh, ngăn chặn.
Đối với lực lượng công an phải chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến, dự báo các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Ngoài ra, lực lượng công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và huy động các ngành, đoàn thể, người dân tham gia đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm lừa đảo.
Đặc biệt, trong kế hoạch của Công an tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho công an các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp, giải pháp để chung tay đấu tranh, ngăn chặn tội phạm này.
Lãnh đạo PA05 cho biết, thực hiện kế hoạch của Công an tỉnh, đơn vị đã xây dựng thông tin, triển khai in tờ rơi với các nội dung thông tin về phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo trên mạng. Sau khi in, số tờ rơi này được PA05 chuyển cho công an các phường, xã trên địa bàn tỉnh để trực tiếp phát cho người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong khi đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng đã chủ động các hoạt động tuyên truyền để nâng cao cảnh giác cho người dân về loại tội phạm này. Trong đó, một số nội dung khuyến cáo người dân cần chú ý: theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng không được làm việc với người dân qua điện thoại. Khi mời người dân lên làm việc, các cơ quan chức năng đều phải có giấy mời, giấy triệu tập ghi rõ thời gian, địa điểm, danh tính người mời làm việc.
Người dân phải cảnh giác với các số điện thoại lạ. Đặc biệt là các số điện thoại có nhiều hơn 10 số, số điện thoại xuất phát từ nước ngoài, có dấu “+” ở đầu số điện thoại. Khi có ai đó liên hệ, gọi điện tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án và có những lời lẽ đe dọa, người dân hãy bình tĩnh tìm sự trợ giúp của người thân hoặc liên hệ với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và tư vấn.
Đặc biệt, người dân không tham gia mua bán, làm việc với các trang mạng, sàn giao dịch không rõ nguồn gốc, trụ sở hoạt động. Cảnh giác với các lời kêu gọi chuyển tiền nhưng không có biện pháp đảm bảo chắc chắn khi phát sinh tranh chấp; không cung cấp thông tin cá nhân và thông tin bảo mật tài khoản cho bất cứ ai.