Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Điều chỉnh quy hoạch giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu phát triển

Điều chỉnh quy hoạch giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu phát triển

Hàng loạt dự án hạ tầng đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội rất lớn trong thời gian tới. Do đó, mạng lưới giao thông, nhất là giao thông đường bộ cũng đòi hỏi phải được quy hoạch, đầu tư xây dựng một cách đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển.

p.xay d1.jpg
Đường tỉnh 769 đoạn qua khu vực KCN Dầu Giây được đề xuất nắn tuyến để đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật của tuyến đường.

Chưa bắt kịp nhu cầu phát triển

Ngày 9-12-2016, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX, Nghị quyết số 40 /2016/NQ-HĐND về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được thông qua.

Mục tiêu của Nghị quyết số 40 là đầu tư xây dựng hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia. Tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, hàng không, đường thủy nội địa với năng lực lưu thông tốt, tiến tới giao thông thông minh và an toàn cao. Từ đó, đa dạng hóa các loại hình vận tải và phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng ngày càng cao.

Theo Sở GT-VT, quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 được thông qua tại Nghị quyết số 40, hệ thống đường giao thông do tỉnh quản lý sẽ có 45 tuyến. Trong số này có 25 tuyến đường tỉnh hiện hữu, 13 tuyến mở mới và 7 tuyến trục chính quan trọng khác.

Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GT-VT cho hay, từ năm 2017 đến nay, theo quy hoạch đã được thông qua, tỉnh đã và đang thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng 7 tuyến đường hiện hữu gồm các tuyến đường tỉnh: 763, 765, 767, 768, 769B, 773 và 775. Cùng với đó, một số đoạn của 4 tuyến đường tỉnh được mở mới gồm: 771B (đoạn 1), 769D (các đoạn 1,4,5), 778 (đoạn 1) và 778B cũng đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Đối với 7 tuyến trục chính quan trọng theo quy hoạch, hiện nay, UBND tỉnh cũng đang thực hiện nghiên cứu đầu tư đối với 6 tuyến. Đặc biệt các tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch, đường kết nối vào cảng Phước An và đường nối quận 2 (TP.HCM) - Nhơn Trạch là những tuyến vận tải được UBND tỉnh chú trọng đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tuyến đường kết nối vào cảng Phước An, giai đoạn 1 (đoạn từ đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức- Long Thành), H.Nhơn Trạch đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng.

Mặc dù hệ thống giao thông đường bộ đã được chú trọng đầu tư và phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội những năm qua. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển chung, mạng lưới giao thông đường bộ hiện vẫn đang trong tình trạng chưa đáp ứng nhu cầu. “Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh và trong khu vực”- Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn đánh giá.

p.xay d2.jpg
Tuyến đường kết nối vào cảng Phước An, (giai đoạn 1) thuộc 7 tuyến trục chính quan trọng theo quy hoạch đã được đầu tư xây dựng.

Hướng tới mục tiêu “giao thông đi trước mở đường”

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025. Cùng với đó, Đồng Nai cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương bổ sung thêm 6,5 ngàn ha đất phát triển công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Bôn, để phát huy lợi thế từ sân bay Long Thành cũng như các KCN sẽ được mở mới, việc hình thành các trục giao thông kết nối vớ sân bay Long Thành cũng như các KCN mới là rất cần thiết. Bởi, điều này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn như Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. “Cần phải nghiên cứu phương án phát triển thêm một số tuyến giao thông mở mới đồng thời tăng quy mô các tuyến đường hiện hữu làm cơ sở đáp ứng phát triển hạ tầng giao thông toàn tỉnh trong tương lai”- ông Nguyễn Bôn nhấn mạnh.

Từ thực tế nhu cầu, thời gian qua, Sở GT-VT đã thực hiện xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 40 về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.

Ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch- tài chính, Sở GT-VT cho hay, trong dự thảo đề án, Sở GT-VT đã đề xuất điều chỉnh giai đoạn đầu tư đối với 2 tuyến đường tỉnh gồm: đường tỉnh 764 đưa lên đầu tư vào giai đoạn 2021-2025 (quy hoạch được duyệt đầu tư, nâng cấp trong giai đoạn 2026-2030) và đường tỉnh 767 đưa lên đầu tư vào giai đoạn 2021-2025 đối với đoạn dài 9,4km và đầu tư nâng cấp hoàn thiện toàn tuyến đạt chuẩn quy mô quy hoạch vào giai đoạn 2026-2030 (quy hoạch được duyệt đầu tư nâng cấp trong giai đoạn 2026-2030).

Cùng với đó, Sở GT-VT cũng đề xuất điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đối với 7 tuyến đường tỉnh gồm: 769, 772 (Trảng Bom- Xuân Lộc), 773 (Long Thành- Cẩm Mỹ- Xuân Lộc), 763B, 770B, 769G và 768C.

                                                                                            Vi Quân


Các tin khác

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

    Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
    Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
    Điện thoại: (0251).3847292.
    Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

    ipv6 ready

    Chung nhan Tin Nhiem Mang