Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện chiếm tỷ trọng trên 45% GDP và 40% giá trị xuất khẩu của cả nước. Toàn vùng có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ với hơn 15 ngàn dự án còn hiệu lực, thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 2 lần cả nước...
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường kết nối giao thông giữa TP.Hồ Chí Minh với Đồng Nai. Ảnh: K.GIỚI
Những con số trên cho thấy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò “đầu tàu” của cả nước, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của khu vực này đang có dấu hiệu chậm lại.
Tại diễn đàn Vai trò doanh nghiệp (DN) trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 27-9, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã có những ý kiến đóng góp thiết thực để “khơi thông” cho phát triển.
Tạo thế “kiềng ba chân”
Thể chế kinh tế có nhiều điểm “nghẽn”, liên kết vùng lỏng lẻo và đặc biệt sự phát triển của DN còn bị nhiều yếu tố tác động là vấn đề đặt ra cần phải giải quyết cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến hội nhập quốc tế với những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhưng chưa chú trọng liên kết DN trong nước với nhau. Muốn hội nhập thành công, trước hết phải liên kết được DN trong nước, tạo lan tỏa tốt trong các địa phương. Hơn bất cứ khu vực nào, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đi đầu trong liên kết, lan tỏa, hội nhập lẫn nhau”.
Đồ họa thể hiện tỷ trọng vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam so với cả nước trong năm 2018 và ước tính nhu cầu vốn trong các khu vực kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2020-2030 - Nguồn: Số liệu phân tích của TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam (Đồ họa: HẢI QUÂN)
Cũng theo ông Lộc, muốn thực hiện mục tiêu này cần có tầm nhìn bao quát, có vai trò của Nhà nước đề ra những chính sách phát triển vùng hợp lý. Cụ thể là Nhà nước dẫn dắt còn DN đóng vai trò trung tâm trong hệ thống nền kinh tế. TS.Vũ Tiến Lộc đánh giá, hiện các địa phương trong khu vực đều có hiệp hội DN, nhưng trong tổng thể vùng kinh tế trọng điểm lại thiếu cơ chế liên kết giữa các hiệp hội với nhau. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, chính các DN, hiệp hội DN phải đề xuất và là trung tâm kết nối DN vùng, xác định phát triển công nghệ thế nào, logistics ra sao. “Qua rồi thời kỳ chỉ nghĩ tới việc cạnh tranh với nhau, đây là thời các dự án của TP.Hồ Chí Minh phải tạo ra mạng lưới cho các địa phương khác phát triển và phải tạo được chuỗi giá trị không bao giờ đóng khung trong một địa phương, sự phát triển của một địa phương này là tiền đề cho các địa phương khác” - ông Lộc nói.
Đại diện cho cộng đồng DN, TS.Vũ Tiến Lộc kiến nghị cần có ban chỉ đạo khu vực, Phó Thủ tướng làm trưởng ban. Cùng với đó, cần có một hội đồng vùng trên cơ sở phối hợp của các địa phương. Một hội đồng DN trên cơ sở tương tác giữa các DN. Đây là “kiềng ba chân” cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Như Triển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện Chiến lược phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch - đầu tư) nhận định, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay còn rất mờ nhạt, chủ yếu mang tính tự phát của từng địa phương. Ông Triển cũng chỉ ra, sự tăng trưởng nhanh trong giai đoạn trước là do quy mô vùng kinh tế trước đó còn nhỏ, chính sách phát triển phát huy hiệu quả. Khi quy mô kinh tế lớn hơn lại thiếu sự dẫn dắt, trong khi hệ thống pháp luật còn chồng chéo khiến liên kết khó khăn, thậm chí kìm hãm sự phát triển.
Về vấn đề liên kết và liên kết cái gì, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam cho rằng, Hội đồng vùng phải dẫn dắt vấn đề này. Ông Triển chia sẻ: “Kinh nghiệm các nước như Cộng hòa liên bang Đức cũng có ba loại thể chế vùng là: vùng hành chính, đại diện vùng và hiệp hội vùng. Nhật Bản có một hội đồng vùng nhưng có ngân sách cho hội đồng vùng và không kiêm nhiệm”. Ông Triển cũng kiến nghị, hội đồng vùng phải hoạt động theo cơ chế không kiêm nhiệm và phải có ngân sách để hoạt động, nguồn ngân sách được tạo ra từ các dự án trong vùng và chính các tỉnh phải có nghĩa vụ đóng góp để hoạt động hội đồng vùng có hiệu quả.
Tự chủ ngân sách cho các địa phương
Theo Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Đào Xuân Tuế, những năm qua, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có ý kiến về việc phân bổ số chi ngân sách trở lại cho các tỉnh, thành quá thấp so với tổng số thu, việc này Trung ương cũng đã nghiên cứu và có hướng điều tiết dần.
Ông Tuế cho hay, trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, định mức phân bổ ngân sách đã có những quy định tăng nguồn lực cho các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đó, TP.Hồ Chí Minh được phân bổ thêm 70% số chi tính theo định mức dân số, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được phân bổ thêm 40%. Chính phủ cũng ưu tiên thêm cho những địa phương có tỷ lệ đóng góp về ngân sách trung ương và những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm. “Với nguồn lực ngân sách có được, cơ chế điều tiết ngân sách hiện nay đã ưu tiên đảm bảo nguồn lực cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, so với nhu cầu đầu tư phát triển, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng thì mới chỉ đáp ứng được một phần” - ông Đào Xuân Tuế nói.
Để phát huy tiềm năng thực sự của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh”. Thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách cho 4 địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng giảm bớt phần lồng ghép ngân sách nhà nước giữa Trung ương và địa phương, ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo Luật Ngân sách trong 5 năm.
Cũng theo ông Trần Du Lịch, trong đầu tư cho các địa phương cần xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối là tiền đề của liên kết phát triển vùng và là điều kiện để xây dựng các đô thị mới. Trước mắt, tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông vùng đã được quy hoạch đến năm 2020 và 2030; đồng thời lập quỹ đầu tư giao thông vùng từ các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn thu từ đất đô thị hóa do hệ thống giao thông tạo ra hay từ nguồn tín dụng ưu đãi… ”Trong tương lai, nếu giải quyết tốt đây sẽ là nơi đến tất yếu của DN trong và ngoài nước” - TS.Trần Du Lịch khẳng định.
Theo Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động và có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước.
Cụ thể, năm 2018, vùng này đóng góp hơn 45% GDP cả nước, tổng thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực. Vùng này còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và là nơi chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, thực hiện vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây nguyên, hạt nhân là TP.Hồ Chí Minh.
Khắc Giới - Vương Thế