UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12-4-2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Cơ cấu lại đầu tư công là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (Ảnh thi công dự án cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa).
Cơ cấu lại đầu tư công là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (Ảnh thi công dự án cầu Vàm Cái Sứt, TP.Biên Hòa).
Theo UBND tỉnh, mục đích của chương trình hành động là nhằm quán triệt các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh về các mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 54. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung chỉ đạo điều hành và phân công chủ trì, phối hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu kinh tế.
Mục tiêu tổng quát mà chương trình hành động của UBND tỉnh hướng đến là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
UBND tỉnh cũng đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tốc độ tăng năng suất lao động của tỉnh Đồng Nai cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước (mục tiêu của cả nước là 6,5%/năm); nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GRDP; đến năm 2025, nằm trong nhóm 15 tỉnh thành có điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất cả nước; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GRDP; giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; tổng vốn bình quân đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GRDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế; nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Tất cả các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt không dưới 1% GRDP, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021-2025; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP khoảng 5%; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 20%, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.