Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Vùng Đông Nam bộ phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cao nhất

(CTT-Đồng Nai) - Năm 2025, vùng Đông Nam bộ với các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và 7 bộ, ngành Trung ương thuộc Tổ Công tác số 3 được giao hơn 165 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, người đứng đầu Tổ Công tác số 3 của Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần thiết phải tăng tốc giải ngân và quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân toàn bộ số vốn đầu tư công đã được phân bổ.

Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai
Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai

Còn thấp hơn bình quân chung cả nước
 
Năm 2025, Chính phủ đã giao cho 13 đơn vị và địa phương thuộc Tổ Công tác số 3 một lượng vốn đầu tư công lớn, hơn 165 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình giải ngân trong quý I-2025 của các đơn vị này còn nhiều hạn chế, chỉ đạt khoảng 4,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 9,5%. Phân tích cụ thể ở 6 địa phương cho thấy, chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung, các địa phương khác đều có kết quả thấp hơn.
 
Về tình hình giải ngân của tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà thông tin, năm 2025, tỉnh được giao hơn 15,7 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến cuối quý I, tỷ lệ giải ngân của tỉnh là hơn 6%, và đến ngày 22-4 đã tăng lên 8,6%. Một số yếu tố làm chậm quá trình giải ngân của tỉnh, như việc điều chỉnh quy hoạch Dự án Đường liên cảng Nhơn Trạch, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án, và kết quả không như mong đợi từ việc đấu giá quyền sử dụng đất.
 
Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Đồng Nai đã có những chỉ đạo mạnh mẽ. Tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh biên soạn sổ tay về bồi thường, giải phóng mặt bằng để tháo gỡ nút thắt này cho các dự án. Sở Tài chính được giao chủ trì các cuộc họp ít nhất hai lần mỗi tháng với chủ đầu tư để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Sở Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên thanh tra, kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm. Đồng thời, UBND cấp huyện được yêu cầu tập trung cao độ vào công tác giải phóng mặt bằng và chủ động tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các dự án.
 
Theo nhận định của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Nhóm đầu tiên xuất phát từ quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, gây ra những hệ lụy như tạm dừng khởi công dự án mới, phải điều chỉnh dự án đang chuẩn bị đầu tư làm chậm trễ việc phân bổ vốn, công tác thanh, quyết toán bị ảnh hưởng do thay đổi về trách nhiệm và quy trình sau sắp xếp, cũng như việc sáp nhập các sở, ngành dẫn đến thay đổi chủ đầu tư và làm chậm các thủ tục giải ngân.
 
Nhóm nguyên nhân thứ hai liên quan đến công tác triển khai các dự án, bao gồm việc một số dự án đã có khối lượng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, các dự án ODA phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do vượt tổng mức và tăng chi phí đền bù, và nhiều dự án đang gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia về cấp xã còn chậm, và năng lực quản lý, triển khai của cấp xã còn nhiều hạn chế cũng là những yếu tố đáng quan tâm.
 
Tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân 100% vốn
Tại buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh thành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương đã đề xuất 10 nhóm giải pháp then chốt. Trọng tâm của các giải pháp này là yêu cầu các cấp quán triệt và coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu; đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo tỉnh cần kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn, thậm chí cử cán bộ chuyên trách hỗ trợ cấp xã; đảm bảo phân bổ đầy đủ và sớm nguồn vốn trung ương cho các dự án; và tăng cường thu ngân sách địa phương, đặc biệt là từ đất đai để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn.
 
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh rằng việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa chiến lược, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và sinh kế cho người dân, đồng thời đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Ông yêu cầu các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của khu vực và cả nước, vì khu vực này chiếm 20% tổng vốn đầu tư.

Để đạt được mục tiêu giải ngân 100%, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị và địa phương cần đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 một cách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả hơn. Triển khai các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp khi không còn cấp quận, huyện.
 
Trước những kiến nghị từ các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp hỗ trợ địa phương giải quyết các khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến khoáng sản và khai thác khoáng sản, đơn giá đất, tư vấn xác định giá đất, cũng như các thủ tục đầu tư, đấu thầu và ký kết hợp đồng triển khai dự án.
Phan Anh

Chuyển Đổi Số

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang