Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
(PCTN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục được Tỉnh ủy,
UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo.
Ngoài các hoạt động
tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa
phương thì công tác điều tra, xử lý các vụ án, đối tượng vi phạm các hành vi
tham nhũng cũng luôn được quan tâm, chú trọng.
Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hậu cần của Công an tỉnh.
Tạo
hành lang pháp lý cho công tác PCTN
Luật PCTN năm 2018 có
hiệu lực tháng 7-2019 cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác
đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức thực hiện công
tác PCTN một cách bài bản và có hiệu quả nhất.
Trên cơ sở các quy định
pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các
kế hoạch, chương trình hành động về PCTN. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo
các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc các chủ
trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN; đồng thời, xây dựng
kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, gắn công tác PCTN
với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính
trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến
toàn thể cán bộ, công chức và người dân tại đơn vị, địa phương mình nhằm nâng
cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác PCTN.
Phó chánh thanh tra tỉnh
Phạm Ngọc Hà cho rằng, các quy định của pháp luật về công tác PCTN đã kịp thời,
đồng bộ và thống nhất trong các khâu liên quan đến công tác PCTN như: kiểm soát
tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; phòng, chống tham nhũng khu vực
ngoài Nhà nước cũng như những hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân,
doanh nghiệp trong giải quyết công việc…
Tuy nhiên theo đánh
giá của UBND tỉnh, trong thời gian qua, công tác PCTN trên địa bàn cũng còn những
tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: một số đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch công
tác PCTN và thực hiện chương trình hành động về PCTN còn mang tính chung chung,
chưa đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của đơn
vị, địa phương mình. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra nội bộ để phát hiện, xử lý
tham nhũng chưa phát huy hiệu quả. Việc phát hiện tham nhũng thời gian qua chủ
yếu thông qua hoạt động thanh tra, đơn thư tố cáo và tố giác.
Thống kê của Ban Nội
chính Tỉnh ủy cho thấy, đến nay các cơ quan tố tụng của tỉnh đang thụ lý 10 vụ,
15 bị can liên quan đến các hành vi tham nhũng. Trong đó, cơ quan điều tra các cấp
đang thụ lý 5 vụ, 11 bị can; nổi bật như: vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong
khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, vụ tham
ô tài sản xảy ra tại Phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú, vụ vi phạm quy định về đầu tư
công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử
dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Trung tâm Ứng dụng Công nghệ
sinh học Đồng Nai…
Xử lý
hành vi tham nhũng từ công tác thanh, kiểm tra
Để công tác PCTN và
thực hiện Chương trình hành động về PCTN của UBND tỉnh một cách có hiệu quả, tại
hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thanh tra năm 2021 vào ngày 27-1, Phó chủ tịch
UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về PCTN; thực hiện đồng
bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; gắn công tác thanh tra với phát hiện, xử
lý các hành vi tham nhũng. Đặc biệt, các cấp, các ngành phải tập trung vào các
lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện,
xử lý các hành vi vi phạm.
Theo lãnh đạo Ban Nội
chính Tỉnh ủy, thực hiện nhiệm vụ về PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã theo dõi, nắm
thông tin và kết quả điều tra các vụ án tham nhũng đang được các cơ quan tố tụng
thụ lý. Trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tố tụng đẩy mạnh
công tác điều tra, xử lý, sớm làm rõ các vụ việc và hành vi của các đối tượng
liên quan.
Trong thời gian tới,
ngoài công tác chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của
cấp trên về công tác PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục xây dựng và ban bành
các văn bản liên quan đến công tác PCTN. Trong đó có nội dung báo cáo tiến độ
điều tra các vụ án liên quan đến tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó,
lãnh đạo tỉnh sẽ có những chỉ đạo kịp thời trong công tác điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, theo Phó
chánh thanh tra tỉnh Phạm Ngọc Hà, các đơn vị, địa phương phải tiếp tục thực hiện
việc công khai, minh bạch trên các lĩnh vực hoạt động của mình quản lý. Phải
xây dựng và thực hiện chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Đối với cán bộ,
công chức, viên chức phải thực hiện đúng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, nghề
nghiệp; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản thu
nhập… Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của Đảng, Nhà nước.
“Một trong những giải
pháp nhằm thực hiện tốt công tác PCTN đó là phải thực hiện công tác cải cách
hành chính, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt
động cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp PCTN;
phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trong đó cần gắn với trách
nhiệm của người đứng đầu của các cấp, các ngành..." - ông Phạm Ngọc Hà nhấn
mạnh.
Hà Giang