(CTT-Đồng Nai) - UBND tỉnh vừa ra quyết định ban hành đề án Phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Đồng Nai và yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.
Mục tiêu của đề án nhằm phát triển các văn phòng thừa phát lại phù hợp với quy định của pháp luật, phân bổ mỗi huyện, thành phố đều có văn phòng thừa phát lại được thành lập phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn cấp huyện và tạo điều kiện cho người dân doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp, đồng thời giảm tải công việc cho cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, viện kiểm sát.
Nội dung trong đề án đã nêu rõ về lộ trình phát triểnvăn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, theo Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, tổng số văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được phép thành lập là 13 văn phòng (1 văn phòng đối với các huyện và 2 văn phòng đối với TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa). Thực tiễn, Đồng Nai hiện có 5 văn phòng thừa phát lại đang hoạt động (tại thành phố: Biên Hòa, Long Khánh; các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom) và cần phát triển thêm 8 văn phòng thừa phát lại trong thời gian tới.
Hoạt động thừa phát lại là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, phán ánh đúng nhu cầu xã hội trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Trong thời gian qua, hoạt động của các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tống đạt cho các cơ quan tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; thể hiện được vai trò cần thiết trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh.