Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ vật của liệt sĩ

Trước khi trở thành di vật, những thứ như dép râu, võng, bạt, huy hiệu sao vàng, bình nước, kim chỉ, dây thắt lưng, mũ, dụng cụ y tế, dầu cao sao vàng, đồng hồ, cúc áo, bóp da, tấm ảnh… đều là “vật bất ly thân” của người chiến sĩ trong lúc chiến đấu một mất một còn với quân thù. Vì thế, đằng sau sự cũ kĩ, xù xì của mỗi kỷ vật kháng chiến được tìm thấy cùng với hài cốt liệt sĩ, đều ẩn chứa câu chuyện cảm động, nỗi niềm của người chiến sĩ khi còn sống, mà chỉ ai trong cuộc mới tường tận sâu sắc.​

Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là sớm giải mã thông tin, trả lại tên tuổi, quê quán cho chủ nhân gắn bó với các kỷ vật thiêng liêng được tìm thấy nằm cùng liệt sĩ dưới lòng đất mẹ.

Những kỷ vật “biết nói”

Những ngày này, huyện Long Thành đang chuẩn bị chu đáo lễ truy điệu, an táng 13 hài cốt liệt sĩ vừa được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể ở địa bàn ấp 8, xã Bàu Cạn. Trong số những kỷ vật bình dị nằm cùng xương thịt các anh dưới lòng đất mẹ suốt hàng chục năm qua, có một bức chân dung chiến sĩ còn khá nguyên vẹn. Người trong ảnh rất trẻ với nụ cười tươi rói, gương mặt đầy lạc quan, khiến tôi rưng rưng liên tưởng gần giống với tấm ảnh tác giả in trang bìa cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, mà một thời giới trẻ tìm đọc bằng được, với số lượng phát hành kỷ lục. Đó cũng có thể là bức ảnh duy nhất của người chiến sĩ ở tuổi đôi mươi, mang theo ngực áo khi ngã xuống, mà chưa kịp để lại một bức chân dung cho gia đình. Biết đâu, bàn thờ anh nơi quê nhà còn để trống bức ảnh và hài cốt anh đã được tìm thấy ở Long Thành giờ này vẫn được ngành chức năng đánh dấu là “liệt sĩ chưa biết tên”…


 Khu vực khai quật, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành.

Một kỷ vật của liệt sĩ làm lay động lòng người ngay khi báo chí thông tin gần đây, đó là cây bút máy Hồng Hà khắc tên tuổi, quê quán chiến sĩ, cùng với tên người vợ trong ngày cưới vắng mặt chú rể, dù bị chôn vùi tròn nửa thế kỷ vẫn giúp đội quy tập nhanh chóng xác định được danh tính liệt sĩ là Nguyễn Văn Hưng, quê xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; hài cốt anh vừa được đưa về quê hương an táng hôm 4-10. Tiếc rằng, không có nhiều trường hợp may mắn như vậy. Trong số 38 hài cốt được tìm thấy tại ngôi mộ tập thể thuộc xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trước đây thuộc khu vực Hàng rào điện tử MacNamara, mới chỉ xác định rõ danh tính duy nhất liệt sĩ Hưng nhờ dòng chữ khắc trên chiếc bút mà người yêu tặng trước lúc lên đường. Còn lại 37 đồng đội anh được an táng cùng ngày ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, chính quyền địa phương đành ngậm ngùi gắn lên bia mộ dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, vẫn thấy ngậm ngùi dẫu biết rằng “Tên anh đã thành tên đất nước”... 

Mệnh lệnh từ trái tim…

Chẳng ai trước khi hy sinh là không có tên tuổi, tất cả liệt sĩ đều có tên họ, quê quán rõ ràng, nhưng chiến tranh nghiệt ngã đã khiến cho việc định danh các phần mộ trở nên quá khó khăn. Với phương pháp xác định danh tính liệt sĩ như hiện nay, rất khó để sớm trả lại tên tuổi chính xác cho nhiều trường hợp trong số hơn 1.000.000 người đã ngã xuống. Như mới đây, ngay khi 9 hài cốt liệt sĩ được cất bốc, quy tập kèm theo nhiều kỷ vật ở xã Phú An, huyện Tân Phú cùng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hai hội thảo, mời nhiều nhân chứng. Tuy nhiên, suốt gần 3 tháng sau đó, danh tính liệt sĩ vẫn chưa rõ ràng, buộc lòng tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho phép tổ chức lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ theo quy định. Trước đó, cả nước đã có nhiều trường hợp được phép khai quật mộ liệt sĩ để giám định ADN, nhưng kết quả là “mẫu xấu, không xác định được”.

Trên dải đất Việt Nam một thời đau thương lửa đạn, còn tới hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa rõ thông tin, đó là chưa kể hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Bao nhiêu đó không chỉ đơn thuần là những con số thống kê, mà là bấy nhiêu tâm hồn, bấy nhiêu cuộc đời riêng... Hơn nửa triệu liệt sĩ chưa xác định được thông tin là ngần ấy gia đình vẫn đêm ngày mòn mỏi tìm kiếm phần mộ người thân. Với họ, những kỷ vật liệt sĩ để lại trước khi vĩnh viễn nằm xuống nơi chiến trường trở thành thứ vô giá, được lưu giữ vô cùng cẩn thận. Nếu không thể vẽ truyền thần, kỷ vật thiêng liêng ấy được người nhà đặt trang trọng lên bàn thờ liệt sĩ. Ẩn chứa trong những hiện vật nhuốm màu thời gian này là máu và nước mắt, là nỗi nhớ nhung khôn cùng của những người con với cha mẹ, người vợ với chồng, người mẹ, người cha với con... và gói ghém cả những hoài bão, ước mơ dang dở của một thời thanh xuân các anh hùng hiến trọn đời mình cho Tổ quốc.

 
Hài cốt và di vật của các liệt sĩ được tìm thấy tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành.

Đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), chúng ta bắt gặp kho tài liệu đặc biệt khổng lồ đang được lưu giữ , đó là 72.000 hồ sơ kỷ vật của cán bộ từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Trước khi vào chiến trường B, các cán bộ, chiến sĩ phải gửi lại toàn bộ giấy tờ, tư trang. Thế nên, từng trang giấy được nơi đây lưu giữ không chỉ đơn giản cung cấp thông tin mà nó còn gắn bó với số phận con người. Tất cả vẫn đang chờ đợi chủ nhân của nó, mong có ngày được giải mã.

Nhiều thân nhân, cựu chiến binh nóng lòng đi khắp rừng xanh núi đỏ, đau đáu mong tìm được hài cốt hay ít nhất một di vật nào đó mà liệt sĩ, đồng đội để lại, nhưng phải trở về với con số 0. Nhà thơ chiến sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân, từng viết khúc tráng ca bi hùng: “…Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường…”. Dù biết rằng, cát bụi lại trở về cát bụi, những thứ thuộc về kỷ vật dẫu là của bậc vĩ nhân, rồi sau cùng cũng khó đọng lại giữa lẽ vô thường. Di sản của một người, nếu có, mang giá trị tinh thần vĩnh cửu, chính là trong trí nhớ nhiều người khác. Vâng! Có biết bao người con ưu tú của dân tộc đã hóa thân thành “trầm tích linh thiêng”, viết nên huyền thoại thời hoa đỏ, tạc dáng đứng Việt Nam hiên ngang vào tâm khảm nhiều đời. Còn nhiều, rất nhiều mộ liệt sĩ đâu đó trong lòng đất mẹ mà lịch sử càng trôi đi thì việc tìm kiếm càng gặp trở ngại. Nhưng không vì thế mà chúng ta cho phép mình dừng lại hành trình tri ân. Viết đến đây, tôi muốn độc giả hãy dành phút giây, ngắm kỹ bức chân dung chiến sĩ “chưa rõ tên” tìm thấy dưới ngôi mộ tập thể ở Long Thành, mà nhiều trang báo đăng tải. “Anh tên gì hỡi anh yêu quý?”. Đặt câu hỏi này, bất cứ ai cũng sẽ thấm thía, việc trả lại tên tuổi sở hữu các các di vật liệt sĩ vẫn luôn là món nợ ân tình, thậm chí xem như mệnh lệnh từ trái tim của những người đang sống.

Bài viết này được thực hiện trước khi bà Trần Thị Nga (73 tuổi) sống tại TP. Hồ Chí Minh đến huyện Long Thành xác nhận người trong bức ảnh (chi tiết được nêu trong bài) là chồng bà, liệt sĩ An Văn Đỗ (quê Hưng Yên). Bà Nga cho biết thêm, trong giấy báo tử ghi chồng bà hy sinh năm 1968 tại chiến trường miền Nam.

P.V

P.V

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang