Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chủ động phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi ngay từ đầu năm

(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai là tỉnh có mật độ chăn nuôi cao, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên áp lực về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Dự báo năm 2024, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp hơn nên ngành Chăn nuôi-thú y đến các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch phòng chống dịch ngay từ đầu năm 2024.
Trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom
Trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom

Nhờ chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ, đàn gia súc, gia cầm tốt trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển tốt; chưa xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm hoặc lây lan trên diện rộng.

Chú trọng công tác phòng, chống
Tại hội nghị đánh giá và triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2024 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn nên để xảy ra dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như sức khỏe cộng đồng. Thực hiện tốt công tác phòng dịch, quản lý an toàn dịch bệnh tốt thì mới ổn định được sản xuất.

Chỉ đạo này được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như chưa xảy ra các ổ dịch nguy hiểm hoặc tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Trong đó, công tác tiêm phòng vaccine luôn được người chăn nuôi trên địa bàn chú trọng thực hiện. Ông Trần Minh Tiến, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành chia sẻ, việc chủ động phòng ngừa, thực hiệu tốt tiêm vaccine phòng bệnh dịch đóng vai trò rất quan trọng. Chăn nuôi trong trại lạnh theo quy trình khép kín cũng góp phần đảm bảo an toàn sinh học. Trại nuôi kiểm soát kĩ không để ruồi vào trong chuồng đem mầm bệnh. Với hệ thống cho ăn uống hoàn toàn tự động, vật nuôi ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương, chủ trại chăn nuôi gà tại xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất cho biết thêm, thời gian qua, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả sản phẩm chăn nuôi thường đứng ở mức thấp. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi luôn ổn định ở mức cao. Tuy chăn nuôi quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nhưng bà Phương rất quan tâm ứng dụng đệm lót sinh học, chất thải trong chăn nuôi được xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Bà Phương chia sẻ: “Trang trại của gia đình tôi dần chuyển sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Trong đó, việc chuẩn hóa quy trình tiêm phòng vaccine được chú trọng. Trang trại cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sinh học hơn chữa bệnh để sức đề kháng của đàn gà khỏe hơn, giảm tỷ lệ hao hụt vì dịch bệnh, chất lượng trứng, thịt ngon hơn”.

Củng cố các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Việc xây dựng và duy trì các vùng chăn nuôi an toàn cũng được các địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Chăn nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, giảm hao hụt đàn nuôi vì dịch bệnh là cũng là giải pháp được doanh nghiệp, chủ trang trại rất chú trọng nhằm giảm giá thành sản xuất. Đây cũng là giải pháp căn cơ để phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Trường Giang đánh giá, chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 90% tổng đàn nuôi. Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đa số chấp hành tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh. Công tác giám sát lưu hành virus giúp phát hiện sớm mầm bệnh, chủ động trong việc phòng dịch bệnh và làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất tổ chức tiêm phòng ở khu vực nguy cơ cao. Năm 2023, công tác tiêm phòng của nhiều địa phương được triển khai nhanh, vượt kế hoạch đề ra. Một số địa phương xảy ra ổ dịch đã triển khai ngay và hiệu quả các biện pháp phòng chống, khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2023, tổng số vaccine phòng các loại dịch bệnh trên động vật do người dân sử dụng là hơn 29,4 triệu liều. Tiêm phòng từ nguồn ngân sách là gần 675 ngàn liều.
Song Lê

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang