(CTT-Đồng Nai) - Tình hình dịch bệnh dại trên đàn chó trong toàn tỉnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại CDC Đồng Nai
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại CDC Đồng Nai
Trong tháng 11, toàn tỉnh ghi nhận 4 ổ dịch dại trên chó. Trong đó 3 ổ dịch tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán và 1 ổ dịch tại xã Long Phước, huyện Long Thành.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 13 ổ dịch tại 5/11 huyện, thành phố, gồm: Vĩnh Cửu (2 ổ dịch), Trảng Bom (3 ổ dịch), Nhơn Trạch (2 ổ dịch), Long Thành (3 ổ dịch), Định Quán (3 ổ dịch), tăng 13 ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoài. Số ca tử vong do bệnh dại là 2 ca, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Dấu hiệu của người bị bệnh dại gồm: Lúc đầu người bệnh có cảm giác đau đầu, bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ, sợ hãi, sốt, khó chịu và những thay đổi cảm giác dị thường tại vết thương nơi bị súc vật cắn. Bệnh tiến triển đến liệt hoặc bị liệt. Các cơ nuốt của thực quản bị co thắt khi uống nước, giai đoạn sau có thể gây co thắt ở cổ và họng khi nhìn thấy hình ảnh nước nên người bệnh rất sợ nước, người bệnh mê sảng và co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày rồi chết do liệt cơ hô hấp.
Đến nay, y học vẫn chưa có thuốc gì có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại. Do vậy, khi bị súc vật (chó, mèo) cắn, người dân cần khẩn trương xử trí vết thương bằng cách: tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn (nếu có). Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Không đắp lá cây, dầu hỏa hoặc bất kì chất gì vào vết thương.
Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông. Nếu vết thương cần khâu cầm máu thì nên khâu thưa, không khâu thẩm mỹ.
Một số vết thương bị cắn cần uống kháng sinh theo đơn của bác sỹ để dự phòng nhiễm khuẩn.
Sau đó, cần đến ngay cơ sở y tế có tiêm vaccine để tiêm vaccine phòng bệnh dại theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.