Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Giám sát chặt chẽ việc tăng lương tối thiểu vùng

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh trong đợt làm việc với Đồng Nai mới đây. Ông Lê Văn Thanh cho biết, việc các doanh nghiệp (DN) tăng lương tối thiểu vùng (TTV) cho người lao động (NLĐ) kịp thời là điều rất phấn khởi để ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên, các sở, ngành, tổ chức Công đoàn của tỉnh cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh lương đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory (H.Vĩnh Cửu) phấn khởi làm việc khi được tăng lương
Công nhân Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory (H.Vĩnh Cửu) phấn khởi làm việc khi được tăng lương

Tăng lương để giữ chân lao động

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu, mức lương TTV chính thức được điều chỉnh từ 180-260 ngàn đồng, tùy thuộc theo vùng từ ngày 1-7-2022. Đây là chính sách kịp thời nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ, tạo động lực để giữ chân NLĐ gắn bó với các công ty. Ghi nhận tại các DN trên địa bàn Đồng Nai cho thấy, đa số các DN đã điều chỉnh lương TTV và xây dựng thang bảng lương mới theo quy định tại Nghị định 38. Nhiều DN đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương TTV, song để khuyến khích công nhân gắn bó, các DN đã nỗ lực điều chỉnh tăng thêm 6% tiền lương. Bên cạnh đó, vẫn duy trì hỗ trợ NLĐ tiền chuyên cần, ăn ca, xăng xe, nhà ở và các phúc lợi khác…

Tại Công ty TNHH Kings Grating (H.Nhơn Trạch), để giữ chân cũng như ghi nhận những nỗ lực của NLĐ trong thời gian qua, công ty quyết định tăng lương cho toàn thể NLĐ 500 ngàn đồng/người và tăng phụ cấp 100 ngàn đồng/người. Công nhân Lê Văn Tiến, làm việc tại công ty cho hay, ngay khi nhận được thông báo tăng lương, công nhân toàn công ty rất phấn khởi và hài lòng với sự quan tâm điều chỉnh lương của DN. “2 năm qua, đối diện với nhiều khó khăn của dịch bệnh, nay giá cả hàng hóa leo thang khiến chúng tôi phải tính toán chi tiêu tiết kiệm hết cỡ. Vì vậy, với công nhân, tăng thêm đồng lương nào là rất quan trọng vì giúp chia sẻ bớt chi phí thuê trọ và nhiều khoản phát sinh khác” - anh Tiến chia sẻ.

Là DN có hơn 3 ngàn NLĐ, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata) đã thông báo điều chỉnh lương TTV cho NLĐ bình quân từ 6-7% (tương ứng 260-390 ngàn đồng/tháng) đối với công nhân trực tiếp hưởng lương sản phẩm và công nhân hưởng lương công nhật. Đây là chính sách kịp thời của DN nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ trong thời điểm giá cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay. Sau khi biết thông tin tăng lương, đa phần công nhân công ty rất phấn khởi sau 2 năm chờ đợi tăng lương do đại dịch Covid-19.

Để giúp NLĐ vượt qua khó khăn, ngay từ đầu năm, nhiều DN đã chủ động tăng lương cho NLĐ; đồng thời cân đối tài chính để tiếp tục tăng lương TTV cho NLĐ từ tháng 7. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Kin Yip Bags & Hats Manufactory (H.Vĩnh Cửu) cho hay, hiện công ty đang gặp khó khăn về nhân lực nhưng vẫn điều chỉnh TTV cho NLĐ với mức 6%. Mức tăng này được đưa ra sau khi Công đoàn thảo luận với chủ sử dụng lao động. “Hiện cuộc sống của nhiều NLĐ còn khó khăn, nhất là lao động ở trọ nên DN quyết định tăng lương để hỗ trợ NLĐ. Với trên 200 NLĐ, quỹ lương của DN sẽ đội lên, song đây là giải pháp để giữ chân lao động” - chị Hiền bày tỏ.

Giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh lương

Thực tế, trong những ngày gần đây, ở một số DN trên địa bàn Đồng Nai đã diễn ra tình trạng ngừng việc tập thể liên quan đến việc điều chỉnh lương TTV. Nguyên nhân do các DN đã tăng lương từ đầu năm nhưng khi ra thông báo không giải thích rõ ràng cho NLĐ hiểu nên dẫn đến NLĐ hiểu sai việc điều chỉnh lương TTV, dẫn đến ngừng việc. Ngoài ra, một số DN vẫn đang cân đối tài chính nên chưa thông báo kịp thời cho NLĐ. Cũng có DN do mức lương trả cho NLĐ cao hơn lương TTV nên không điều chỉnh trong tháng 7-2022 nhưng không tổ chức đối thoại với NLĐ…

Làm việc với UBND tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho hay, cùng với việc đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tiền nhà, việc tăng lương TTV kịp thời nhằm mục đích giữ chân NLĐ, ổn định thị trường lao động trong thời điểm khan hiếm lao động như hiện nay. Ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh, nếu DN thực tốt các chế độ chính sách, không có lý do gì để NLĐ “nhảy việc” hoặc nghỉ việc. Do đó, tăng lương là một trong những giải pháp chia sẻ khó khăn với NLĐ, vừa là động lực thúc đẩy NLĐ làm việc hiệu quả, năng suất. Ông Thanh đề nghị Đồng Nai cũng như các sở, ngành và đặc biệt tổ chức Công đoàn cần sâu sát cơ sở, tăng cường giám sát việc điều chỉnh lương của DN đối với NLĐ, đặc biệt, không để cắt giảm các phúc lợi hoặc thúc ép NLĐ làm quá giờ quy định.

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 38 đến NLĐ và các DN để triển khai thực hiện đúng quy định. Cùng với đó, chỉ đạo các cấp Công đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, chủ động đề​ xuất và đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm thỏa thuận về tiền lương và các điều kiện lao động khác có lợi hơn cho NLĐ. Qua nắm tình hình và báo cáo của các cấp Công đoàn, đến thời điểm này đa số các DN đã điều chỉnh mức lương TTV và được sự đồng thuận của NLĐ.
Phong Lan

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang