Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tăng cường phòng bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh

(CTT-Đồng Nai) - Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ.
Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ trên bàn tay bệnh nhân
Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ trên bàn tay bệnh nhân

Cách ly, điều trị tại nhà.

Ca bệnh đậu mùa khỉ mới nhất của tỉnh Đồng Nai là bệnh nhân nam 33 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.

Theo thông tin đã đăng tải, bệnh nhân được xét nghiệm phát hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ ngày 7-10; từ khi khởi phát bệnh, bệnh nhân ở nhà, trong phòng riêng; không đi làm, chỉ tiếp xúc với những người thân trong gia đình gồm mẹ, bố, anh trai, 2 cháu nhỏ.

Tính đến nay, cả 5 người trong gia đình bệnh nhân P.Q.T chưa có dấu hiệu bất thường, sức khỏe ổn định, đang được trạm y tế phường theo dõi sức khỏe hàng ngày để phát hiện kịp thời nếu mắc bệnh.

Khi phát hiện có ca bệnh, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành phun hóa chất khử trùng, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở của bệnh nhân.
Rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh đậu mùa khỉ
Rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh đậu mùa khỉ

Khuyến cáo từ Sở Y tế

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ lây lan, Sở Y tế vừa có văn bản đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh chủ động, phối hợp, điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh đậu mùa khỉ. Từ đó, để xác định nguồn lây nhiễm, quản lý, xử lý triệt để ổ dịch.

Đậu mùa khỉ được Bộ Y tế xếp vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong (gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…).

Bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai, từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện thường gặp là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang