Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng Nai phát triển nông nghiệp đô thị

(CTT-Đồng Nai) - Là tỉnh công nghiệp, nhiều địa phương của Đồng Nai khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị thường cần diện tích đất canh tác ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Long Thành. Ảnh: Song Lê
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Long Thành. Ảnh: Song Lê

Theo đó, từ năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ.

Khai thác lợi thế của các địa phương
 
Theo đề án trên, vùng nông nghiệp đô thị Tây Nam của tỉnh gồm có 7 địa phương: thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần của huyện Vĩnh Cửu. Đây là những địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Trong đó, nông nghiệp đô thị sẽ hỗ trợ và làm hậu cần cho phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp.

Từ khi triển khai đề án đến nay, các địa phương trong vùng nông nghiệp Tây Nam tập trung tái cơ cấu theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao (CNC), sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến...
Kết quả, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, 100% diện tích trồng mới và tái canh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, giống xác nhận. Ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích gần 60 ngàn hécta, chiếm gần 31,3% trên tổng diện tích cây trồng cạn.
 
Toàn tỉnh đã hình thành được 45 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC, vượt 12,5% kế hoạch đến năm 2025. Tiêu biểu, về nuôi tôm ứng dụng CNC tập trung ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã có hơn 170 héta nuôi tôm ứng dụng CNC. CNC ở đây được ứng dụng khá đồng bộ từ chọn được con giống chất lượng đến đầu tư hệ thống ao nuôi lót bạt có hệ thống xử lý nguồn nước, xử lý chất thải trong ao nuôi, đảm bảo môi trường tốt cho con tôm sinh trưởng đồng thời kiểm soát tốt về dịch bệnh. Nhờ đó, mô hình này mang lại lợi nhuận tốt cho người nuôi với mức khoảng 600-800 triệu đồng/hécta.

Về lĩnh vực chăn nuôi, đến nay toàn tỉnh có khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 65% tổng đàn heo; 49% tổng đàn gà chăn nuôi ứng dụng CNC.

Hình thành chuỗi liên kết
 
Vùng kinh tế nông nghiệp Tây Nam còn có nhiều lợi thế về thị trường, tốc độ công nghiệp hóa nhanh tác động lan tỏa đến nông thôn, phát triển được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao… Nhiều địa phương như huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Thống Nhất,… có lợi thế đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh đặc sản cây trồng, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp với các vật nuôi chủ lực của tỉnh.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp CNC Long Thành Phát (huyện Long Thành) đã xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ đầu tư con giống, chăn nuôi, chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà vào thị trừờng khó tính Nhật Bản. là đối tác cung cấp nguồn thịt gà an toàn xuất khẩu đi Nhật Bản. Những thành viên của hợp tác xã này đều đổ vốn lớn xây dựng chuồng trại hiện đại; lập quy trình chăn nuôi khắt khe theo tiêu chuẩn của người tiêu dùng Nhật Bản.
 
Các địa phương trong vùng nông nghiệp Tây Nam còn tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như: Trồng rau thủy canh, nuôi lươn không bùn, trồng nấm mối đen, trồng hoa lan, Nuôi cá giống, cá cảnh...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng, để tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp CNC. Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.
Các địa phương thuộc vùng kinh tế nông nghiệp Tây Nam đã xác định quy hoạch được 8 vùng sản xuất nông nghiệp CNC với tổng diện tích 6,5 ngàn hécta. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất.
Song Lê

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang