Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hành vi cố ý của
thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh
thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ, hành vi BLGĐ có
muôn hình, vạn trạng. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình hướng tới
việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tôn trọng, thương yêu nhau, tuân
thủ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, pháp luật là góp
phần vào công tác phòng chống, ngăn chặn hành vi BLGĐ.
Các luật gia, luật sư của Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật về PCBLGĐ cho người dân ở xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch)
* Nhận diện hành vi
Vì không thích con riêng của chồng, chị N.T.N. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định
Quán) thường hay mắng nhiếc, bóng gió về thói hư tật xấu vợ cũ của chồng mỗi
khi em P.V.L. (13 tuổi) làm điều gì đó trái ý mình. Một lần nọ em L. vì đánh
nhau với một trẻ hàng xóm nên bị chị N. mắng mỏ là con hoang, vô giáo dục.
Hay như trường hợp em V.N.L. (16 tuổi, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) do cha mẹ
bỏ nhau nên ở với người chú ruột và được chú xem như con trong nhà. Dù được chú
thương yêu nhưng em L. hay bị người thím (vợ của chú) la mắng, bắt làm việc quá
sức và đôi lần bị đuổi ra khỏi nhà.
Luật gia Nguyễn Thanh Sơn cho biết, BLGĐ xảy ra trong cuộc sống rất
nhiều và nhiều người không biết đó là hành vi BLGĐ. Hành vi BLGĐ không chỉ dừng
lại ở việc hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức
khỏe, tính mạng mà theo Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2009 còn bao gồm các hành
vi: lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cô lập, xua
đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng. Ngăn cản
việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu;
giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Cưỡng ép
thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ;
kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về
tài chính. Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
“Nếu theo quy định nêu trên, hai em P.V.L. và V.N.L. là nạn nhân của nạn
BLGĐ vì bị lăng mạ, cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bị cưỡng ép lao động
quá sức, cần được gia đình, các tổ chức hội, đoàn thể can thiệp, hỗ trợ” - luật
gia Nguyễn Thanh Sơn giải thích.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2009 còn quy định, BLGĐ là những
hành vi: cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn
hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có
hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình
hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thành viên gia đình bao gồm: vợ,
chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con
đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng
cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể,
em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ
khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác
ruột và cháu ruột.
* Các biện pháp chế tài
Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2009 quy định, người có hành vi vi phạm pháp
luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi
phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây
thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng,
chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống BLGĐ quy định, hành
vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Hành vi
hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1,5-2 triệu đồng. Hành
vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình bị phạt tiền từ 500 ngàn
đến 1,5 triệu đồng. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về
tâm lýbị phạt tiền từ 100 ngàn đến 1 triệu đồng. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly
hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ bị phạt tiền từ 100-300
ngàn đồng. Hành vi bạo lực về kinh tế bị phạt tiền từ 300 ngàn đến 1 triệu
đồng…
Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Hội Luật gia tỉnh cho biết thêm, các hành vi
liên quan tới BLGĐ có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015
ở một số tội danh như: tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm). Tội bức tử (bị phạt
tù từ 2-5 năm). Tội hành hạ người khác (bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3
năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm). Tội cưỡng dâm (bị phạt tù từ 1 đến 18
năm). Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ,
cản trở ly hôn tự nguyện (bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3
năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến3 năm). Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha
mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (bị phạt cảnh cáo,
phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm)…
Nhân Thái