Cuối tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 (PAPI). Qua kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh Đồng Nai đã cải thiện rõ.
Trung tâm Hành Chính Công tỉnh Đồng Nai
Tăng cấp độ
Theo kết quả công bố, chỉ số PAPI của Đồng Nai đạt 43,94 điểm, được đánh giá ở cấp độ 2 (nhóm đạt điểm Trung bình cao), tăng 0,85 điểm so với năm 2018. Năm 2019, tỉnh Đồng Nai đã có bước chuyển biến tích cực khi thay đổi mức độ đánh giá từ cấp độ 3 (nhóm đạt điểm Trung bình thấp) trong năm 2018 lên cấp độ 2 (nhóm đạt điểm Trung bình cao).
Qua kết quả đánh giá Chỉ số PAPI tỉnh Đồng Nai năm 2019 cho thấy, có 5/8 chỉ số có chuyển biến tích cực so với năm 2018, cụ thể chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 0,80 điểm và thuộc nhóm 6 địa phương có mức tăng điểm nhiều nhất; Chỉ số Cung ứng dịch vụ công tăng 0,59 điểm và thuộc nhóm 3 địa phương có mức tăng điểm nhiều nhất; Công khai, minh bạch tăng 0,43 điểm và thuộc nhóm 5 địa phương có mức tăng điểm nhiều nhất; Trách nhiệm giải trình với người dân tăng 0,16 điểm; Thủ tục hành chính công tăng 0,07 điểm.
Các chỉ số thuộc nhóm cao nhất so với cả nước là Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân (xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố), Chỉ số Cung ứng dịch vụ công và Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (đều xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố).
Vẫn còn chỉ tiêu thấp
Tuy nhiên, có 3/8 chỉ số giảm so với năm 2018 đó là Quản trị môi trường giảm 0,67 điểm; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở giảm 0,47 điểm; Quản trị điện tử giảm 0,04 điểm.
Ngoài ra có 3 chỉ số thuộc nhóm trung bình thấp so với cả nước là chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (chỉ đạt 4,84 điểm, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố); chỉ số Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách (đạt 5,31 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố); chỉ số Quản trị điện tử (đạt 3,59 điểm, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố).
Trong đó, một số tiêu chí đạt ở mức trung bình thấp, nhất là các tiêu chí liên quan đến sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, các chỉ tiêu về quản trị môi trường và các tiêu chí về công khai, minh bạch như tiếp cận thông tin, công khai danh sách hộ nghèo, thu - chi ngân sách cấp xã/phường, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá bồi thường thu hồi đất; công bố đầy đủ các thông tin để người dân tiếp cận và phúc đáp ý kiến của người dân qua cổng thông tin điện tử; quan tâm công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.
Chỉ số PAPI đo lường, so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Báo cáo PAPI 2019 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2019.
Tuấn Anh