(CTT-Đồng Nai) - Sáng ngày 18-2, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước chủ trì cuộc họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 26 của HĐND tỉnh.
Tại buổi làm việc, có 6 nội dung được thẩm tra, tập trung vào các dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương, của tỉnh và cả khu vực Đông Nam bộ.

Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình báo cáo tại buổi thẩm tra của HĐND tỉnh.
Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình báo cáo tại buổi thẩm tra của HĐND tỉnh.
Thẩm tra nhiều dự án quan trọng
Theo nội dung Tờ trình, dự thảo nghị quyết gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án Kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía Cù lao Phố), thành phố Biên Hòa. Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai có tổng mức đầu tư gần 350,8 tỷ đồng (vốn trung ương hơn 235,5 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh) và đã được bố trí vốn thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024. Do đó, đến năm 2025, dự án đã hết thời gian bố trí vốn thực hiện dự án. Để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đến năm 2025. Bố trí vốn kế hoạch năm 2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án còn lại gần 104 tỷ đồng thuộc trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, dự án đã thực hiện công tác xây lắp đạt 65%.
Tờ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án cầu Phước An do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư. Quy mô dự án có tổng chiều dài gần 4,4km, gồm các hạng mục cầu, đường đầu cầu, hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư gần 4,9 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng gần 2,6 hécta rừng trồng phòng hộ thuộc địa bàn xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý. Việc chuyển đổi đất rừng của dự án cầu Phước An đáp ứng nguyên tắc, căn cứ chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các quy định luật khác.
Cầu Phước An sau khi được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết nối giao thông, thúc đẩy tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung, kết nối hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai – Thành phố Hồ Chí Minh; chia sẻ giàm tải lưu lượng phương tiện đang quá tải trên tuyến Quốc lộ 51.
Dịp này, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cũng đã thẩm tra các báo cáo dự thảo nghị quyết về lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành và báo cáo dự thảo nghị quyết về thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Trưởng Ban Kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước kết luận tại buổi làm việc.
Trưởng Ban Kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước kết luận tại buổi làm việc.
Tạo cơ chế về quỹ đất, vốn đầu tư
Ngoài ra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh còn thẩm tra dự thảo Nghị quyết danh mục các dự án, khu đất phải thu hồi đất để thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục 12 khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2025 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp các trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Trong đó, có 7 khu đất của 7 dự án nhà ở xã hội đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: 3 dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP; 4 dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP); 3 khu đất của 3 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định đảm bảo điều kiện về chủ trương đầu tư và 2 dự án do Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất đề nghị bổ sung.
Dự thảo nghị quyết về phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương của tỉnh Đồng Nai năm 2025. UBND tỉnh dự kiến ký hợp đồng tín dụng với tổ chức tín dụng trong nước với hạn mức tín dụng 2 ngàn tỷ đồng, giải ngân theo nhu cầu và khối lượng thực tế phát sinh là phù hợp để đảm bảo chỉ thực hiện vay và trả lãi khi các dự án đã có khối lượng đủ điều kiện giải ngân. UBND tỉnh dự kiến bố trí nguồn vốn vay cho 8 dự án bao gồm 2 dự án xây dựng đường giao thông; phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của 5 dự án giao thông và 1 dự án khu tái định cư phục vụ dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Sau khi thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung 4 Tờ trình gồm: Tờ trình, dự thảo nghị quyết về phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương của tỉnh Đồng Nai năm 2025; Tờ trình, dự thảo nghị quyết gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án Kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai; Tờ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án cầu Phước An; Tờ trình, dự thảo nghị quyết về danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì họp thẩm tra, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước kiến nghị, UBND tỉnh cần bổ sung, hoàn chỉnh thêm nội dung một số Tờ trình nhằm đảm bảo chặt chẽ về mặt cơ sở pháp lý của nội dung trình. Trong đó, có một số dự án cấp bách của địa phương, của tỉnh và cả vùng Đông Nam bộ nên sau khi được HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện hiệu quả các dự án.