(CTT-Đồng Nai) - Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa (khu Bảo tồn) Đồng Nai đang mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch theo Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng được UBND tỉnh phê duyệt. Trong số các địa điểm, tuyến du lịch mà doanh nghiệp quan tâm, khu vực ven hồ Trị An được các nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng phát triển các mô hình du lịch sinh thái rừng - hồ…

Cảnh đẹp khu vực hồ Trị An
Cảnh đẹp khu vực hồ Trị An
Hồ Trị An có diện tích trên 32,5 ngàn hécta. Trong đó, diện tích mặt nước là trên 32,4 ngàn hécta và trên 108 hécta diện tích đất đảo trên hồ. Khu vực ven hồ được định hướng các loại hình du lịch gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; Du lịch thể thao và khám phá; Du lịch vui chơi giải trí và các loại hình, dịch vụ du lịch khác phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Theo Đề án phát triển du lịch của Khu bảo tồn, đến năm 2025, lượng khách du lịch đến Khu Bảo tồn đạt 50 ngàn lượt/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng. Đến năm 2030 đạt 120 ngàn lượt khách/năm. Doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Một số nhà đầu tư nhận định, khu vực ven hồ Trị An có những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như vị trí giao thông thuận lợi. Do đó, ven hồ Trị An được các nhà đầu tư tìm hiểu, đề xuất, đăng ký đầu tư các dự án phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Bảo, Giám đốc Công ty CP xây dựng thương mại dịch vụ Đại Lộc Phát, thành phố Biên Hòa chia sẻ, Đồng Nai có vị trí khu vực hồ Trị An có tiềm lực rất lớn. Bên cạnh đó, hồ Trị An nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh và cac tỉnh lân cận trong vùng Đông Nam bộ. Đồng Nai có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, trong đó nổi bật là cảnh đẹp hồ Trị An. Để khai thác du lịch ven hồ, công ty chọn 3 diểm quy hoạch theo đề án để đăng ký thực hiện dự án du lịch tại khu vực hồ Trị An.
Với mục tiêu đầu tư thành cụm du lịch, có thể phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch nhưng được đầu tư đồng bộ phân theo từng cấp hạng mục để phục vụ khách (3 sao, 4 sao, 5 sao). Trong quá trình nộp hồ sơ, Đại Lộc Phát đã nhận được sự hỗ trợ từ phía chủ rừng. Doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, kinh doanh du lịch.
Trong quá trình khảo sát tiềm năng du lịch, công ty có đặt mục tiêu phục vụ đa dạng khách, dự án hồ Trị An dự kiến sẽ nằm trong chuỗi du lịch sinh thái khắp cả nước. Nếu được triển khai, công ty sẽ hoàn thiện các thủ tục và trong vòng 2 năm đầu sẽ đưa phân khu đầu tiên vào hoạt động. Khi đó, công ty sẽ có những chiến lược quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước
Cuối năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021- 2030. Ngay sau khi được phê duyệt quy hoạch, Khu bảo tồn đã thông báo về việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn đến năm 2030.
Trong quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của Đề án, có 51 điểm tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ có khả năng liên kết theo tuyến, theo chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái. Đồng thời quy hoạch 37 tuyến du lịch tại Khu Bảo tồn
Trong số 51 điểm du lịch được quy hoạch, khu vực ven hồ Trị An có 17 điểm được quy hoạch phát triển du lịch ven hồ. Đến nay Khu Bảo tồn đã tiếp nhận nhiều nhà đầu tư xin đăng ký đầu tư các khu, điểm du lịch theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt.
Chia sẻ thông tin về tình hình thu hút đầu tư du lịch tại Khu bảo tồn, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Đinh Thị Lan Hương cho biết, 17 điểm khu vực hồ Trị An được quy hoạch với diện tích gần 7,7 ngàn hécta. Định hướng phát triển các loại hình du lịch như: sinh thái - khám phá thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí trên mặt nước hồ Trị An. Khai thác những giá trị du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ cung cấp các sản phẩm địa phương. Và các loại hình du lịch, dịch vụ khác phù hợp trong khu vực.
Theo bà Đinh Thị Lan Hương, toàn bộ diện tích quy hoạch của 17 điểm chủ yếu là rừng trồng của Nhà nước và đất hợp đồng giao khoán theo quy định của Chính phủ trước đây và hiện nay đang thực hiện việc ký hợp đồng khoán giữa đơn vị và bên nhận khoán, hộ dân trồng cây ăn trái và dạng kết hợp vườn rừng. Đối với hạ tầng giao thông, bà Hương cũng cho biết, giao thông đi lại đang được đầu tư bài bản và ngày càng hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối các trung tâm và thành phố lớn trong khu vực.
Bà Hương nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết hồ trợ tối đa cho các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào các dự án du lịch tại Khu Bảo tồn theo đúng quy định của pháp luật. Khu vực hồ Trị An được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia. Đây cũng sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư quan tâm mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng du lịch của Đồng Nai.