Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiều quy định mới đảm bảo an toàn phòng cháy tại hộ gia đình

(CTT-Đồng Nai) - Thời gian tới, việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên toàn quốc sẽ có nhiều thay đổi theo hướng sát với thực tế và đáp ứng đầy đủ các vấn đề đặt ra trong thực tiễn của công tác PCCC; đặc biệt là hướng sự quan tâm về an toàn PCCC tại các hộ gia đình, kể cả nhà ở riêng lẻ lẫn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Biên Hòa tham gia diễn tập chữa cháy tại khu phố 2, phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa) vào ngày 29-11
Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Biên Hòa tham gia diễn tập chữa cháy tại khu phố 2, phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa) vào ngày 29-11

Ngày 29-11, Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 (có hiệu lực vào ngày 1-7-2025) có 55 điều với nhiều quy định mới đã được Quốc hội thông qua.

Chú trọng an toàn tại hộ gia đình
 
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 có 7 điểm mới cơ bản là: điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh; quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện; quy định về cứu nạn, cứu hộ; quy định về chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện nghiệp vụ PCCC; quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy định hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC; quy định xử lý chuyển tiếp đối với công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng mà không đảm bảo quy định về PCCC.

Đáng chú ý, Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 quy định rõ hơn về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 20) và đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 21).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đối với nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc Trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây, để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở thuộc các khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Còn với nhà ở tại khu vực khác, khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo cháy.
 
Còn với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy như của nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở. Ngoài ra, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không được bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp…

Theo Bộ Công an, trong 11 tháng của năm 2024, toàn quốc xảy ra 294 vụ cháy, làm chết 6 người, 14 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 86,23 tỷ đồng.

Phù hợp với thực tiễn

Hiện nay, tại thành phố Biên Hòa có hơn 211 ngàn nhà ở hộ gia đình và hơn 9,7 ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó có không ít nhà ở sâu trong hẻm nhỏ, được xây dựng từ lâu đời hoặc các nhà ở được cải tạo để làm nơi sản xuất, kinh doanh.

Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ thành phố Biên Hòa đánh giá, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư lâu đời thường có lối ra vào khá chật chội. Không chỉ vậy, các căn nhà trên ít được nâng cấp, cải tạo nên thường tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn PCCC như: hệ thống điện cũ kỹ (dễ bị quá tải, chập cháy); nhiều vật dụng dễ cháy (giấy, vải) đặt gần bếp ăn; việc thắp nhang thờ cúng ngay trong nhà dễ bén lửa vào vật dụng khác gây cháy…
 
Cùng với đó, theo Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, trong 9 tháng của năm 2024, trên toàn tỉnh đã xảy ra 64 vụ cháy, trong đó xảy ra 13 vụ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở này là những nhà ở, kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, một số chủ hộ kinh doanh đánh giá cao các quy định của Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 khi hướng trọng tâm đến các loại hình nhà ở trên.

Bà Nguyễn Thị Hoa (chủ tiệm tạp hóa trên đường Vũ Hồng Phô, phường An Bình, thành phố Biên Hòa) đánh giá, việc đưa nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vào Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 là đúng với thực tế nguy cơ cháy, nổ hiện nay. Bản thân bà mong sẽ sớm có các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể những việc cần làm trong đảm bảo an toàn PCCC với các loại hình nhà ở trong khu dân cư để người dân nắm bắt, thực hiện theo.

Đồng thời, hiện nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ về PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) đang giới thiệu hệ thống báo cháy không dây thông qua ứng dụng trên điện thoại. Hệ thống này có thể được lắp bất kỳ vị trí nào tại các loại hình nhà ở và kết nối bằng mạng 5G hoặc wifi. Nếu phát sinh đám cháy, hệ thống sẽ báo cho người dùng bằng cách thông báo qua ứng dụng trên điện thoại giúp người dân sớm phát hiện, xử lý sự cố cháy.
Trúc Viên

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang