(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Từ công tác chỉ đạo đến hoạt động thực thi của các cơ quan tố tụng đều được thực hiện một cách quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Kiểm tra, giám sát, thanh tra để phòng ngừa tham nhũng
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ về công tác thi hành pháp luật năm 2024 và kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho hay, những năm gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC. Trong đó công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, kiến nghị, xử lý tham nhũng được quan tâm hơn. Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các đơn vị, địa phương đã triển khai, quán triệt, tuyên truyền các quy định pháp luật về PCTNTC đến cơ sở; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Các vụ việc tham nhũng phát hiện được xử lý theo quy định của pháp luật; các lực lượng chuyên trách về PCTN từng bước được kiện toàn.
Theo Thanh Tra tỉnh, từ năm 2019-2023, số vụ việc liên quan đến tham nhũng được phát hiện xử lý tăng lên. Cụ thể trong năm 2019, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp thụ lý 10 vụ, 8 bị can; năm 2020 thụ lý 12 vụ, 13 bị can (án kỳ trước chuyển sang 2 vụ, 2 bị can); năm 2021 thụ lý 10 vụ, 11 bị can (án kỳ trước chuyển sang 6 vụ, 6 bị can); năm 2022 cơ quan điều tra các cấp thụ lý 19 vụ, 24 bị can (án kỳ trước chuyển sang 8 vụ, 16 bị can, phục hồi điều tra 1 vụ, 1 bị can); năm 2023 cơ quan điều tra các cấp thụ lý 41 vụ, 46 bị can (án kỳ trước chuyển sang 12 vụ, 4 bị can, phục hồi điều tra 3 vụ, 1 bị can).
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan điều tra các cấp tại Đồng Nai thụ lý 30 vụ/61 bị can (kỳ trước chuyển sang 24 vụ, 43 bị can) về các hành vi liên quan đến tham nhũng.
Đơn cử ngày 1-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Khuê (Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán) và Lê Ngọc Muôn, thủ quỹ của trung tâm để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ việc, trước đó vào tháng 12-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bắt tạm giam Bùi Thị Ngọc Yến, Kế toán trưởng của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán, để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Với vai trò Kế toán trưởng Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, Yến đã lập khống hồ sơ rồi sử dụng chữ ký của giám đốc để chuyển tiền cho nhiều người không thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ đối với một số dự án trên địa bàn huyện, chiếm đoạt số tiền 27 tỷ đồng.
Tiếp tục các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác PCTNTC.
Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh đã kiến nghị với Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập và sớm ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục, nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập để các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thống nhất thực hiện.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đối với các công chức cấp xã phụ trách địa chính, tư pháp, viên chức làm công tác kế toán trường học để phù hợp với thực tiễn.
Về công tác tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; sử dụng hiệu quả công cụ truyền thông và sự giám sát của Nhân dân trong công tác PCTNTC. Ngoài ra, UBND tỉnh kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm có hướng dẫn về thực hiện công tác PCTNTC trong khu vực ngoài Nhà nước.