(CTT-Đồng Nai)- Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo đến thế hệ trẻ, trong đó học sinh, sinh viên (HS,SV) là những “người lao động trí óc trẻ” được Bác chú trọng nhiều.
Người thường xuyên thăm hỏi, động viên họ, khuyến khích họ miệt mài học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để trở thành những người có đức, có tài, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giác ngộ, cổ vũ thanh niên đến với cách mạng
Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm quan tâm đến “bộ phận quan trọng” này của dân tộc. Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức HS,SV yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của HS,SV dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Bác Hồ đã cổ vũ, cuốn hút thanh niên, sinh viên Việt Nam, đưa họ đến với cách mạng bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng và khát khao đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào của mình.
Khi nước nhà chưa giành được độc lập, từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, một đất nước với hơn 90% dân số là nông dân, đa phần là mù chữ, Bác Hồ đã bằng những hoạt động thiết thực của mình, tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện giúp họ được học hành để góp sức cho cách mạng. Ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước.
Cùng với phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó, các tầng lớp thanh niên, HS,SV có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Nước nhà trông mong vào thế hệ trẻ
Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm sâu sắc tới công tác giáo dục thế hệ trẻ, tư tưởng, lý luận và tình cảm của Người đã để lại những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay và mãi về sau. Hồ Chủ tịch không chỉ nêu lên vai trò hết sức quan trọng của HS,SV mà còn nhấn mạnh trọng trách khó khăn nhưng vinh quang của các em, đó là bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để làm được điều đó, các thế hệ HS,SV Việt Nam cần cố gắng, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức sống; học để biết, học để làm, học để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên còn đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể nói, công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người, đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”. Chính vì thế, cần có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và kỹ lưỡng trong công tác giáo dục lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cả về tâm sinh lý cũng như ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh tác động đến trẻ nhỏ để tìm ra phương pháp dạy dỗ khoa học, hợp lý.
Đối với việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó, có lớp thanh niên trí thức - những thanh niên, sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, việc giáo dục đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định được con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lênin vĩ đại.
Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 07/5/1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Từ đó, có thể thấy, nhiệm vụ của thanh niên trí thức thời đại mới không chỉ là ra sức học tập để làm chủ được tri thức, công nghệ mới, mà còn phải xác lập được cho mình lý tưởng cộng sản đúng đắn. Lý tưởng đúng đắn chính là cứu cánh, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh chống lại cái xấu, chống lại những cám dỗ bên ngoài, giúp thanh niên vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành mục tiêu.
Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thế hệ trẻ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bác nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.