(CTT-Đồng Nai) “Cục Thống kê Đồng Nai thông báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 10 năm 2024 như sau:
I. KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp
Tháng 10, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới gia tăng sản xuất đáp ứng yêu cầu khách hàng trong những tháng cuối năm; thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước ổn định.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp Tháng 10/2024 tăng 9,98% so Tháng 10/2023 và tăng 1,13% so tháng trước, trong đó: Khai khoáng tăng 0,49%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,50%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 6,12%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,26%.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 tăng 7,86% so cùng kỳ; mức tăng 10 tháng năm nay cao hơn nhiều so với 10 tháng năm 2023 (10 tháng năm 2023 tăng 4,61%) nhưng vẫn thấp hơn so với 8,06% của 10 tháng năm 2022, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,68%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,95%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,25%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,59%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 tăng khá là do năm nay kinh tế thế giới từng bước phục hồi, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trên thế giời tăng, đơn hàng của các doanh nghiệp tăng, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chủ lực; công nghiệp chế biến, chế tạo phục hội rõ nét, có mức tăng khá cao; nhóm ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng đều qua từng tháng; nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước lũy kế 10 tháng đã có mức tăng khá so cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 có mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm 5,52%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,22%; Dệt tăng 5,69%; May mặc tăng 7,75%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,41%; Sản xuất hóa chất tăng 6,11%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,10; Sản xuất giường,tủ, bàn, ghế tăng 7,91% v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,62%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 10,03%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,19%; Sản xuất thiết bị điện tăng 9,13%, Sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 9,04%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,08%…
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước 10 tháng có 22/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 16.074,4 nghìn m3, tăng 4,67%; Bột ngọt đạt 240,6 nghìn tấn, tăng 8,57%; Thuốc lá sợi đạt 13.871 tấn, tăng 7,16%; Sợi các loại 1.821,3 ngàn tấn, tăng 4,47%; Vải các loại 492,1 triệu m2, tăng 2,31%; Quần áo may sẵn đạt 220,5 triệu cái, tăng 8,89%; Giày dép các loại 369,1 triệu đôi, tăng 3,39%; Sản phẩm kim loại 401,8 ngàn tấn, tăng 10,41%; Giường, tủ, bàn, ghế đạt 9.373,4 nghìn chiếc, tăng 12,26%… Nguyên nhân 10 tháng năm 2024 hầu hết các ngành sản xuất đều tăng là do đơn hàng sản xuất tăng, thị trường xuất khẩu khá thuận lợi, giá xuất khẩu tăng so cùng kỳ, thị trường trong nước đang có xu hướng tăng.
- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng tăng 8,68% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ 10 tháng tăng so cùng kỳ đó là: Sản xuất trang phục tăng 2,55%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,42%; Sản xuất giấy và SP từ giấy tăng 4,84%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 18%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,88%; Sản xuất thiết bị điện tăng 6,33%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,98%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 19,56%...
- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2024 dự ước tăng 36,85% so với tháng 9/2024 và giảm 33,15% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng cao so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+43%); Dệt (+35,93%); Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+ 11,94%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+15,20%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (29,78%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+44,52%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+ 26,87%); Sản xuất kim loại (+10,12%); Sản xuất thiết bị điện (+8,29%)…
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp Tháng 10 năm 2024 tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 3,74% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng năm 2024 chỉ số lao động giảm 1,71% so cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng giảm 4,30%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,74%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,30%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,07%.
2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản
a) Nông nghiệp
Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đến 25/10/2024 là 140.865,7 ha, giảm 800 ha (-0,56%) so với cùng kỳ, cụ thể một số cây chủ yếu như sau:
Diện tích Lúa 10 tháng đạt 50.846,7 ha, giảm 1%, trong đó vụ Đông Xuân là 15.506,1 ha, tăng 1,53%; vụ Hè Thu là 18.510,5 ha, giảm 1,73%; ước vụ Mùa là 16.830,1 ha, giảm 2,44% so cùng kỳ. Diện tích cây Bắp là 33.860 ha, giảm 3,38%; Diện tích Khoai lang đạt 249,3 ha, tăng 11,17%; Mía đạt 2.898,5 ha, tăng 5,21%; Đậu tương đạt 284,4 ha, tăng 1,07% so cùng kỳ; Diện tích Lạc đạt 989,1 ha, giảm 9,46%; Rau các loại là 17.910,1 ha, tăng 0,15%; Diện tích đậu các loại đạt 3.614 ha, giảm 2,32% so cùng kỳ.
Dự ước sản lượng thu hoạch 10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ như sau: Sản lượng lúa đạt 246.345,3 tấn, tăng 0,74%; Bắp đạt 217.613,5 tấn, giảm 0,09%; Khoai lang đạt 1.897,7 tấn, tăng 8,26%; Mía đạt 295.865 tấn, tăng 9,95%; Đậu tương đạt 424,9 tấn, giảm 5,36%; Lạc đạt 1.707,3 tấn, giảm 13,9%; Sản lượng rau các loại đạt 235.841 tấn, tăng 2,19%; Sản lượng đậu/đỗ các loại đạt 3.806 tấn, tăng 0,57% so cùng kỳ.
Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 171.468 ha, tăng 1.862 ha (+1,1%) so cùng kỳ. Trong đó: tổng diện cây ăn quả là 78.299 ha, tăng 329 ha (+0,42%) so cùng kỳ và chiếm 45,66% tổng diện tích; Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 93.169 ha, tăng 1.533 ha (+1,67%).
Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 10 tháng năm 2024 so cùng kỳ như sau: Xoài đạt 99.637,5 tấn, tăng 1,76%; Chuối đạt 291.963,7 tấn, tăng 20,38%; Thanh Long đạt 11.783,1 tấn, tăng 3,78%; Bưởi đạt 81.025 tấn, tăng 3,14%; Chôm Chôm đạt 152.901 tấn, tăng 0,41%.... Sản lượng Điều đạt 48.045 tấn, giảm 0,18%; Tiêu đạt 27.133 tấn, giảm 2,52%, do diện tích cho sản phẩm giảm vì những năm trước giá tiêu thấp nên người dân chặt bỏ diện tích già cỗi chuyển sang trồng cây lâu năm khác; Sản lượng mủ Cao Su đạt 33.940,8 tấn, tăng 4,13%, do giá thu mua mủ cao su tại Đồng Nai có xu hướng tăng, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc cũng đang tăng.
Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 10/2024 là 2.169.280 con, giảm 8,49% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.979 con, tăng 0,43%; Bò đạt 111.265 con, tăng 0,67%; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi, bên cạnh đó người dân cũng mạnh dạn đầu tư cải tạo đàn bò theo hướng thịt tăng thu nhập; Đàn lợn đạt 2.054,04 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 8,96% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn lợn giảm là do việc đẩy mạnh hoạt động kiểm tra về môi trường, kiên quyết di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư khiến nhiều trang trại phải tạm ngừng hoặc ngưng chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng đến tổng đàn, khiến nguồn cung thịt giảm.
Sản lượng thịt gia súc 10 tháng tăng khá so cùng kỳ, dự ước thịt trâu đạt 254,5 tấn, tăng 5,81%; thịt bò đạt 4.506,6 tấn, tăng 4,56%; thịt lợn đạt 452.196,9 tấn, tăng 4,47% so cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 10/2024 là 23.253,62 nghìn con, giảm 4,49% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 20.933,31 nghìn con, giảm 4,22%. Sản lượng thịt gia cầm 10 tháng ước đạt 149.749 tấn, giảm 8,4%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 130.558 tấn, giảm 7,7% so cùng kỳ.
b) Lâm nghiệp
Dự ước diện tích rừng trồng mới trong tháng 10/2024 đạt 341 ha, tăng 4,89% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng diện tích rừng trồng mới ước đạt 4.236 ha, tăng 1,63% so cùng kỳ.
Trong tháng 10/2024 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 29.647 m3, tăng 4,68% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, tổng số gỗ khai thác đạt được 260.352 m3, tăng 3,07% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 10/2024 ước đạt 469,1 ste, tăng 4,52% so tháng cùng kỳ; ước 10 tháng đạt 3.313,4 ste, giảm 0,62% so với cùng kỳ.
c) Thủy sản
Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 10/2024 đạt 8.138,3 tấn, tăng 6,13% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đạt 72.027 tấn, tăng 4,46% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng khai thác đạt 6.485,3 tấn, giảm 0,48% (sản lượng cá ước đạt 5.614,8 tấn, giảm 0,43%; tôm đạt 419 tấn, giảm 1,01%; thủy sản khác đạt 451,5 tấn, giảm 0,38%). Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 10 tháng đạt 65.541,7 tấn, tăng 4,97% so cùng kỳ (sản lượng cá ước đạt 55.840,6 tấn, tăng 5,14%; tôm đạt 8.289,7 tấn, tăng 4,34%; thủy sản khác đạt 1.411,3 tấn, tăng 2,26%).
3. Vốn đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước do địa phương quản lý Tháng 10 năm 2024 đạt 1.900,1 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng 9 năm 2024. Dự tính 10 tháng năm thực hiện 11.087,2 tỷ đồng, tăng 31,17% so cùng kỳ và bằng 53,56% so kế hoạch năm 2024.
4. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến ngày 20/10/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.231 triệu USD, tăng 17,84% so cùng kỳ, trong đó: cấp mới 79 dự án với tổng vốn đăng ký 709,87 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần so cùng kỳ và 103 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 521,16 triệu USD, giảm 29,23% so cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm đến ngày 15/10/2024, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là 65.355 tỷ đồng, tăng 28,76% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 3.757 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 25.441 tỷ đồng, tăng 8,43%; Có 959 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung với số vốn là 39.914 tỷ đồng, tăng 46,23% so cùng kỳ. Ngoài ra có 1.498 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm đến ngày 15/10/2024, có 527 doanh nghiệp giải thể, tăng 20,5% so với cùng kỳ; có 647 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 11,1%; và 1.847 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 26%. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
5. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải
5.1. Thương mại dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 năm 2024 ước đạt 25.773 tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 13,87% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 244.617,6 tỷ đồng, tăng 12,87% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước ước đạt 13.954 tỷ đồng, tăng 12,3%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 224.625,6 tỷ đồng (chiếm 91,8%), tăng 12,83%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 15,85% so với cùng kỳ. Cụ thể theo ngành hoạt động như sau:
a) Bán lẻ hàng hóa
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 18.416 tỷ đồng, tăng 0,69% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng, tổng doanh thu bán lẻ ước đạt 174.509,2 tỷ đồng, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành hàng bán lẻ duy trì mức tăng trưởng tốt, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 7,31%, hàng may mặc tăng 12,51%, đồ dùng gia đình tăng 6,03%, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,58%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 22,12%, xăng dầu các loại tăng 19,72%. Hoạt động bán lẻ trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Ngành Công Thương tỉnh tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thông qua các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, và cửa hàng tiện lợi nhằm thu hút người dân, đặc biệt vào dịp cuối tuần và các ngày lễ đến tham quan mua sắm. Điều này giúp duy trì sự ổn định trong nguồn cung và đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy doanh thu và mở rộng hoạt động kinh doanh tăng doanh thu dịch vụ.
b) Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 10 ước đạt 2.834 tỷ đồng, tăng 1,96% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 26.727,3 tỷ đồng, tăng 20,24% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu lưu trú tăng 24,75%, doanh thu ăn uống tăng 20,19%.
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 10 ước đạt 8,2 tỷ đồng, giảm 4,16% so với tháng trước. Nguyên nhân giảm do thời điểm cuối năm, khi nhu cầu đi du lịch trong nước không còn cao như mùa hè hoặc các kỳ nghỉ lễ. Người dân có xu hướng tập trung cho các hoạt động học tập, làm việc hoặc chuẩn bị cho các dịp lễ lớn vào cuối năm, khiến nhu cầu đi du lịch giảm xuống. Lũy kế 10 tháng, doanh thu du lịch lữ hành đạt 80 tỷ đồng, tăng 29,95% so với cùng kỳ.
c) Hoạt động dịch vụ khác
Doanh thu các dịch vụ khác tháng 10 ước đạt 4.514,7 tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 16,09% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng, doanh thu các dịch vụ khác ước đạt 43.301 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng đáng kể, trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 18,62%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 10,7% do nhu cầu tăng hỗ trợ kinh doanh, tư vấn pháp lý, thuế và dịch vụ văn phòng tăng; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 20,6%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 10,62%...
5.2. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2024 giảm 0,04% so với tháng trước. Nguyên nhân (CPI) tháng 10 giảm nhẹ so tháng trước chủ yếu do mức giá giảm trong một số nhóm ngành, bao gồm vật liệu xây dựng, may mặc, thuốc và dịch vụ y tế, văn hóa, giải trí và du lịch. Cụ thể:
So với tháng trước, CPI tháng 10/2024 giảm 0,04%. Trong đó: Khu vực thành thị giảm 0,12%; nông thôn tăng 0,03%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 05 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm; có 04 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng; 01 nhóm hàng hoá có chỉ số ổn định so với tháng trước.
So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 10/2024 tăng 3,05% so với tháng 10/2023. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,2%; tăng thấp nhất nhóm may mặc, nón mũ, giày dép, tăng 0,31%. Riêng giao thông giảm 3,73% và bưu chính viễn thông giảm 0,34% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá bình quân 10 tháng so cùng kỳ, tăng 2,97%. Trong 10 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+9,08%); đồ dùng và dịch vụ khác (+9%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+3,55%); giáo dục (+3,27%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,96%); văn hoá giả trí và du lịch (+1,55%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,42%); giao thông (+1,28%); đồ uống và thuốc lá (+1,03%); may mặc, mũ nón và giày dép (+0,13%). Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,12%.
Trong tháng 10/2024, giá vàng tiếp tục xu hướng tăng mạnh. So với tháng trước, giá vàng tăng 10,38% và so với cùng kỳ tháng 10 năm 2023, mức tăng lên đến 40,67%. So với tháng 12/2023, giá vàng tăng 49,79%, cho thấy mức tăng cao so thời điểm cuối năm trước. Bình quân trong 10 tháng, giá vàng tăng 31,48% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 10 tăng 2,11% so với tháng trước. So với cùng tháng năm 2023, tăng 3,37% và so tháng 12/2023 tăng 3,38%. Bình quân 10 tháng, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,76% so với cùng kỳ năm trước. Sự biến động này phần nào phản ánh sự điều chỉnh của đồng USD trên thị trường ngoại hối, dưới tác động của chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lãi suất, và sự biến động kinh tế toàn cầu.
5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 2.002,37 triệu USD, tăng 6,27% so với tháng trước và tăng 8,23% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng so với tháng trước như: Hạt điều tăng 9,24%, cà phê tăng 2,67%, hạt tiêu tăng 7,39%; Sản phẩm gỗ tăng 4,66%; hàng dệt, may tăng 9,27%; giày dép tăng 11,37%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,76%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 4,52%...
Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19.553,6 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu từ khu vực kinh tế nhà nước tăng 4,88%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 7,51% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,89%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng trưởng đáng kể như: Hạt điều tăng 41,65%, cà phê tăng 46,07%, sản phẩm gỗ tăng 11,52%, hàng dệt may tăng 9,93%, giày dép tăng 3,51%, máy vi tính tăng 10%, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 7,33%, xơ sợi tăng 5,7%...
Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 6.198 triệu USD, chiếm 31,7% tổng xuất khẩu; Nhật Bản đạt 1.875 triệu USD, chiếm 9,6%; Trung Quốc đạt 1.863 triệu USD, chiếm 9,53%; Hàn Quốc đạt 1.064 triệu USD, chiếm 5,45%... Các thị trường này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2024 ước tính đạt 1.425,3 triệu USD, tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 14.141,8 triệu USD, tăng 8,82% so với cùng kỳ. Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước có dấu hiệu phục hồi tích cực, khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Một số mặt hàng nhập khẩu chính tăng so cùng kỳ như: Chất dẻo nguyên liệu tăng 12%, cao su tăng 19,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,41%, xơ sợi dệt tăng 19,83%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 20,39%; máy vi tính, linh kiện điện tử tăng 28,56%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 16,32%...
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.381 triệu USD, chiếm 30,9%, tiếp theo là Hàn Quốc (1.881 triệu USD), Nhật Bản (918 triệu USD), Hoa Kỳ (796 triệu USD)…
10 tháng năm 2024, toàn tỉnh xuất siêu ước đạt 5.412 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 541 triệu USD.
5.4. Giao thông vận tải
Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 10 năm 2024 ước đạt 3.210,4 tỷ đồng, tăng 1,54% so tháng trước và tăng 14,1% so cùng tháng năm trước. Lũy kế 10 tháng ước đạt 31.601 tỷ đồng, tăng 15,18% so cùng kỳ. Trong đó:
+ Doanh thu vận tải hành khách tháng 10 ước đạt 406,7 tỷ đồng, tăng 0,43% so tháng trước và tăng 18% so cùng tháng năm trước. Luỹ kế 10 tháng ước đạt 4.091,4 tỷ đồng, tăng 17,2% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách trong tháng 10 ước đạt hơn 7 triệu lượt khách, tăng 0,39% so tháng trước và tăng 10,35% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng vận chuyển hành khách ước đạt 70,9 triệu lượt khách, tăng 10,8% so cùng kỳ. Luân chuyển hành khách tháng 10 ước đạt 414 triệu hành khách.km tăng 0,33% so tháng trước và tăng 12,88% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng ước đạt 4.224,7 triệu hành khách.km tăng 11,65% so với cùng kỳ.
+ Doanh thu vận tải hàng hoá tháng 10 ước đạt 1.857,5 tỷ đồng, tăng 1,62% so tháng trước và tăng 14,34% so cùng tháng năm trước. Luỹ kế 10 tháng doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 18.192,6 tỷ đồng, tăng 15,95% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa tháng 10 ước đạt 8 triệu tấn, tăng 1,54% so với tháng trước và tăng 11,95% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng ước đạt 79,2 triệu tấn, tăng 13,11% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa tháng 10 ước đạt 687 triệu tấn.km, tăng 1,52% so tháng trước và tăng 12,26% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng ước đạt 6.792,1 triệu tấn.km, tăng 13,81% so với cùng kỳ.
Trong tháng 10/2024, doanh thu từ kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 946,1 tỷ đồng, tăng 1,86% so với tháng trước và tăng 12,03% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực logistics và vận tải, nhờ vào nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh khởi sắc. Lũy kế trong 10 tháng, doanh thu từ kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt khoảng 9.317 tỷ đồng, tăng 12,83% so với cùng kỳ năm trước.
6. Tài chính - Ngân hàng
a) Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2024 ước đạt 47.994,97 tỷ đồng, tăng 5,51% so với cùng kỳ; đạt 85,45% dự toán năm 2024. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 31.517,26 tỷ đồng, tăng 1,49% so cùng kỳ; Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu (đã loại trừ hoàn thuế) ước đạt 2.910,49 tỷ đồng, tăng 2,37 lần so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2024 ước đạt 31.315,35 tỷ đồng, tăng 30,82% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 16.631,77 tỷ đồng, tăng 68,21% (chủ yếu chi đầu tư cho các dự án theo các lĩnh vực 15.999,9 tỷ đồng, tăng 92,93%); Chi thường xuyên đạt 14.569,18 tỷ đồng, tăng 17,05% so với cùng kỳ.
b) Hoạt động Ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/10/2024 đạt 345.628 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cuối năm 2023. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 9,64%; Tiền gửi ước đạt 342.778 tỷ đồng, tăng 7,71% (Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 319.726 tỷ đồng, tăng 6,51%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 23.052 tỷ đồng, tăng 27,69%).
Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 31/10/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 399.816 tỷ đồng, tăng 9,98% so với cuối năm 2023 (nợ xấu ước chiếm 2,01% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.580 tỷ đồng, giảm 4,18%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 398.236 tỷ đồng, tăng 10,14% so với cuối năm 2023 (Trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 250.612 tỷ đồng, tăng 14,18%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 147.624 tỷ đồng, tăng 3,66%).
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Văn hóa và Thể thao
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: Trang trí tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh... Biểu diễn chương trình tuyên truyền lưu động với nội dung về An toàn giao thông phục vụ tại các huyện.
Về thể dục thể thao: Tổ chức 02 giải cấp tỉnh giải Vô địch Bơi tỉnh Đồng Nai năm 2024 tại Câu lạc bộ Bơi lặn Sông phố; Giải Bóng rổ các Câu lạc bộ tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2024. Các Đội tuyển Đồng Nai tham gia 31 giải quốc tế và trong nước, đạt tổng cộng đạt 74 Huy chương (25 HCV, 22 HCB, 27 HCĐ).
2. Y tế
Sốt xuất huyết: trong tháng ghi nhận 629 ca mắc, giảm 51,73% so với tháng trước và tăng 21,2% so với tháng cùng kỳ, không có ca tử vong; lũy kế 10 tháng ghi nhận 4.271 ca, tăng 12,87% so cùng kỳ, có 01 ca tử vong. Tay chân miệng: ghi nhận 320 ca mắc, giảm 16,45% so với tháng trước và giảm 77,56% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 10 tháng ghi nhận 4.173 ca, giảm 44,79% so cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sởi: ghi nhận 230 ca mắc, tăng 1,4 lần so với tháng trước; lũy kế 10 tháng ghi nhận 345 ca, tăng 344 ca so cùng kỳ, không có ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như: Sốt rét, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, cúm.... trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 10/2024, đã thực hiện 2.303 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, trong đó: 2.209 cơ sở đạt (chiếm 95,92%), số cơ sở vi phạm là 94. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã thực hiện 14.158 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, trong đó: 13.323 cơ sở đạt (chiếm 94,1%), số cơ sở vi phạm là 835, nhắc nhở 756 cơ sở, ban hành quyết định xử phạt 79 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền 661,3 triệu đồng. Cộng dồn từ đầu năm đến nay xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 657 ca mắc, ghi nhận 01 ca mắc tử vong.
3. Giáo dục
Giáo dục mầm non: toàn tỉnh có 173 trường mầm non, mẫu giáo (171 trường công lập và 02 trường ngoài công lập) đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở khối công lập đạt 78,8%, ngoài công lập đạt 1,31%.
Công tác Giáo dục phổ thông: Kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia tại 05 trường Tiểu học, 05 trường THCS, 05 trường THPT. Hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường phổ thông công lập ở bậc tiểu học đạt 72,26%, THCS đạt 81,36%, THPT đạt 67,35%. Đồng thời kiểm tra thư viện đạt chuẩn tại 02 trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Công tác Quản lý chất lượng: Tổ chức thi, chấm thi đội dự tuyển học sinh giỏi 12. Chuẩn bị dữ liệu in bằng tốt nghiệp THPT năm 2024. Tổ chức đánh giá ngoài tại 05 trường tiểu học, 04 trường THCS, 04 trường THPT. Thẩm tra, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo một cửa liên thông.
4. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề
Trong tháng 10/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 7.108 lượt người. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay là 86.265 lượt người, đạt 107,83% kế hoạch năm, tăng 16,31% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 10, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 4.148 học viên. Lũy kế từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã tuyển mới 61.522 học viên, đạt 94.65% kế hoạch năm, giảm 1.66% so với cùng kỳ, trong đó: Cao đẳng tuyển 4.382 học viên, Trung cấp 12.749 học viên, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên tuyển 44.391 học viên.
Tốt nghiệp trong kỳ: Trong tháng các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp và có chứng chỉ 6.720 học viên. Lũy kế 10 tháng có 53.662/60.000 học viên tốt nghiệp, đạt 89,44% so với kế hoạch năm, giảm 1,85% so với cùng kỳ.
Trên đây là các nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cục Thống kê xin được thông báo.”