Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2024

(CTT-Đồng Nai) “Cục Thống kê Đồng Nai thông báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 9 năm 2024 như sau:

Tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 đang có sự phục hồi khá rõ, kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát, giá hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện; thị trường xuất khẩu và giá xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn, thị trường tiêu thụ trong nước đang được mở rộng. Tuy nhiên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp trên địa bàn nói riêng còn khó khăn đáng kể, một số doanh nghiệp đơn hàng chưa nhiều, chưa ổn định, tiêu thụ sản phẩm chưa thuận lợi v.v…. vì vậy mặc dù sản xuất, kinh doanh có tăng trưởng nhưng mức tăng chưa cao.

I. KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP):
Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 9 tháng năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 191.531,43 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu cả năm 2024, là từ 6,5-7% và cũng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, khi mức tăng trưởng chỉ đạt 5,03%.
GRDP toàn tỉnh tăng 7,71%, với sự đóng góp từ các khu vực kinh tế như sau:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,35%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP. Các ngành chăn nuôi, trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản có sự tăng trưởng tích cực.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng là 4,47%), đóng góp 4,88 điểm phần trăm. Trong đó: Công nghiệp tăng 7,83%, đóng góp 4,09 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính, tăng 7,89%, đóng góp 3,76 điểm phần trăm, ngoài ra mức tăng GRDP 9 tháng do ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,77%, làm tăng 0,26 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng khá 17,48%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm, do các dự án lớn như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và các dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang được triển khai.
Khu vực dịch vụ tăng 7,7%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm. Sự phục hồi của thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, cùng với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chủ lực, đóng góp tích cực vào mức tăng này.
Thuế sản phẩm tăng 7,07%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 58,4% (Công nghiệp chiếm 54,17%); khu vực dịch vụ chiếm 24,57%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,79%.

2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 9, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng và trong xu hướng phục hồi tích cực, nhiều Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất thích ứng với điều kiện thực tế, thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định. Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2024 tăng 1,26% so tháng trước, trong đó: Khai khoáng giảm 3,49%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,22%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,71%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 0,48%.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2024 tăng 3,06% so quý II/2024 và tăng 10,07% so với cùng kỳ. Trong đó: Khai khoáng tăng 4,92%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,18%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 33,42%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 7,79%.
- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 tăng 7,72% so cùng kỳ (mức tăng 9 tháng năm 2024 tương đương với cùng kỳ năm 2022 và cao nhiều so với mức tăng 4,31% của năm 2023), trong đó ngành khai khoáng tăng 4,68%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,85%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 5,09%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,76%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2024 tăng khá là do năm nay kinh tế thế giới từng bước phục hồi, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trên thế giời tăng, đơn hàng của các doanh nghiệp tăng, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến, chế tạo phục hội rõ nét, có mức tăng trưởng nhanh; nhóm ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng đều qua thời gian; Đặc biệt ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí quý 3 tăng rất cao (+33,42%) nên lũy kế 9 tháng đã có mức tăng so cùng kỳ (+5,09%).
Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 4,44%, Sản xuất chế biến thực phẩm 5,46%; Dệt tăng 5,84%; May mặc tăng 7,81%; Sản xuất hóa chất tăng 5,97%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,03%; Sản xuất giường,tủ, bàn, ghế tăng 7,83%% v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,64%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,36%; Sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 9,87%; Sản xuất thiết bị điện tăng 10%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 9,28% v.v…
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: 9 tháng đầu năm 2024 có 21/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 14.477,6 nghìn m3, tăng 4,67%; Bột ngọt đạt 332 nghìn tấn, tăng 5,7%; Thuốc lá sợi đạt 12.301 tấn, tăng 7,32%; Sợi các loại 1.633,1 ngàn tấn, tăng 4,68%; Vải các loại 442,7 triệu m2, tăng 1,72%, quần áo may sẵn đạt 197,3 triệu cái, tăng 8,71%, giầy dép các loại 330,3 triệu đôi, tăng 2,74%, sản phẩm kim loại 359,5 ngàn tấn, tăng 10,34%; Giường, tủ, bàn, ghế đạt 8.386,8 nghìn chiếc, tăng 12,86%… Nguyên nhân 9 tháng đầu năm 2024 hầu hết các ngành sản xuất đều tăng là do đơn hàng sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá xuất khẩu sản phẩm tăng cao so cùng kỳ; thị trường trong nước đang có xu hướng tăng.
- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9/2024 giảm 6,34% so với tháng 8/2024 và tăng 5,48% so với tháng cùng kỳ. 9 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ tăng 8,82% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ 9 tháng tăng so cùng kỳ đó là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,33%; Sản xuất trang phục tăng 4,26%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,64%; Sản xuất giấy và SP từ giấy tăng 12,82%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,18%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 14,66% … Nguyên nhân 9 tháng năm 2024 mức tiêu thụ sản phẩm tăng khá do có nhiều đơn hàng mới đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu, tập trung ở các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo may mặc, giày da…
- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 dự ước tăng 26,23% so với tháng 8/2024 và giảm 31,11% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng cao so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+48,12%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+ 23,92%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+22,85%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+17,01%), Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (+16,76%); Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+25,34%)…
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 9 năm 2024 tăng 0,96% so với tháng trước và tăng 0,94% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng chỉ số lao động giảm 2,36% so cùng kỳ, trong đó: Khai khoáng giảm 4,39%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,39%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,19%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,16%.

3. Tài chính - Ngân hàng
a) Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 43.108,23 tỷ đồng, tăng 10,81% so với cùng kỳ; đạt 76,75% dự toán năm 2024. Từ đầu năm đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp có sự phục hồi nên tác động đáng kể đến nguồn thu, các khoản thu chủ yếu đều tăng so cùng kỳ. Trong đó:
- Thu nội địa ước đạt 28.306,4 tỷ đồng, tăng 8,24% so cùng kỳ; một số khoản thu tăng khá so cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 2.687,52 tỷ đồng, tăng 8,45%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 4.604,63 tỷ đồng, tăng 14,56%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 9.370,42 tỷ đồng, tăng 3,92%; thuế thu nhập cá nhân 5.167,41 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu (đã loại trừ hoàn thuế) ước đạt 2.464,39 tỷ đồng, tăng 64,5% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28.093,46 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 15.046,76 tỷ đồng, tăng 61,75% (chủ yếu chi đầu tư cho các dự án theo các lĩnh vực 14.452 tỷ đồng, tăng 87,07%); Chi thường xuyên đạt 12.935,18 tỷ đồng, tăng 18,63% so với cùng kỳ.

b) Hoạt động Ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/9/2024 đạt 341.290 tỷ đồng, tăng 6,36% so với cuối năm 2023. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.850 tỷ đồng, tăng 7,75%; Tiền gửi ước đạt 338.440 tỷ đồng, tăng 6,35% (Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 317.410 tỷ đồng, tăng 5,74%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 21.030 tỷ đồng, tăng 16,49%).
Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 30/9/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 396.026 tỷ đồng, tăng 8,94% so với cuối năm 2023. Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 7,22%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 394.496 tỷ đồng, tăng 9,01% so với cuối năm 2023 (Trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 247.985 tỷ đồng, tăng 12,99%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 146.511 tỷ đồng, tăng 2,88%).
 
4. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản
Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá SS 2010) 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 38.642,78 tỷ đồng, tăng 3,36% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 35.123,05 tỷ đồng, tăng 3,32% (trồng trọt tăng 3,32%; chăn nuôi tăng 3,17%; dịch vụ tăng 2,05%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.452,61 tỷ đồng, tăng 2,24%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.067,12 tỷ đồng, tăng 4,89%).
 a) Nông nghiệp
Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước 9 tháng đầu năm 2024 là 141.080 ha, giảm 585 ha (-0,41%) so với cùng kỳ, diện tích tăng, giảm một số cây chủ yếu như sau: Diện tích Lúa 9 tháng đạt 51.248,8 ha, giảm 0,22% so cùng kỳ. Diện tích cây Bắp là 34.239,2 ha, giảm 2,13%, nguyên nhân diện Bắp giảm là do chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang một số cây hàng năm khác và cây lâu năm, một số chân ruộng thiếu nước tưới nên người dân không gieo trồng.
Dự ước năng suất một số cây trồng chính tăng, giảm so cùng kỳ như sau: Năng suất lúa đạt 62,53 tạ/ha, tăng 0,65%; bắp: 86,74 tạ/ha, tăng 3,31%; khoai lang: 115,44 tạ/ha, tăng 0,14%; mía: 737,72 tạ/ha, tăng 3,65%; đậu tương: 18,74 tạ/ha, tăng 2,01%; lạc: 21,92 tạ/ha, giảm 5,23%; rau các loại: 171,65 tạ/ha, tăng 1,47%;
Dự ước sản lượng thu hoạch 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ như sau: Sản lượng lúa đạt 212.709,7 tấn, tăng 0,78%; Bắp đạt 190.142,1 tấn, giảm 0,38%; khoai lang đạt 1.676,6 tấn, tăng 10,14%; mía đạt 205.804,5 tấn, tăng 8,57%; đậu tương đạt 383,6 tấn, giảm 3,3%; lạc đạt 1.548 tấn, giảm 9,73%; rau các loại đạt 200.839,4 tấn, tăng 1,44%;
Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 171.468,7 ha, tăng 1.863 ha (+1,1%) so cùng kỳ. Trong đó: tổng diện cây ăn quả là 78.298 ha, tăng 328,5 ha (+0,42%) so cùng kỳ và chiếm 45,66% tổng diện tích; Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 93.170,7 ha, tăng 1.534,6 ha (+1,67%).
Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 9 tháng năm 2024 so cùng kỳ như sau: Xoài đạt 89.406,6 tấn, tăng 1,83%; Chuối đạt 238.853,3 tấn, tăng 19,79%; Thanh Long đạt 10.122,4 tấn, tăng 3,33%; Bưởi đạt 68.132,5 tấn, tăng 4,49%; Chôm Chôm đạt 152.901 tấn, tăng 0,41%.... Sản lượng Điều đạt 48.045 tấn, giảm 0,18%; Tiêu đạt 27.133 tấn, giảm 2,52%, do giá tiêu mấy năm nay thấp, việc xuất khẩu gặp khó khăn nên người dân đã chuyển một số diện tích già cỗi, kém năng suất hoặc giống cũ sang trồng cây lâu năm khác;
Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 9/2024 là 2.199.346 con, giảm 9,68% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.977 con, tăng 0,2%; Bò đạt 111.241 con, tăng 0,66%; Đàn lợn đạt 2.084,13 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 10,19% so cùng kỳ.
Dự ước sản lượng thịt trâu quý III/2024 đạt 79,87 tấn, tăng 2,56%; lũy kế 9 tháng đạt 227,9 tấn, tăng 6,15% so cùng kỳ. Sản lượng thịt bò quý III/2024 đạt 1.398,37 tấn, tăng 2,44%; lũy kế 9 tháng đạt 4.056,6 tấn, tăng 4,72%; thịt lợn quý III/2024 đạt 140.744,4 tấn, giảm 0,76%; lũy kế 9 tháng đạt 409.231,4 tấn, tăng 4,68% so cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 9/2024 là 24.853,73 nghìn con, giảm 2,12% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 21.714,36 nghìn con, giảm 1,77%. Sản lượng thịt gia cầm quý III/2024 đạt 63.216,7 tấn, tăng 31,13%; lũy kế 9 tháng ước đạt 152.757,3 tấn, tăng 3,21%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 131.279,1 tấn, tăng 3,37% so cùng kỳ. Sản lượng thịt gà tăng do đây là sản phẩm dễ chế biến trong các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học, nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng trên thị trường xã hội tăng nên lượng thịt dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm đông lạnh tăng cao so với cùng kỳ.

b) Lâm nghiệp
Tháng 9/2024 vẫn đang trong mùa mưa với lượng mưa tương đối nhiều, nên các đơn vị lâm nghiệp tiếp tục xuống giống trồng rừng trên phần diện tích đất trống. Dự ước diện tích rừng trồng mới trong tháng 9/2024 đạt 398,1 ha, tăng 3,35% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng diện tích rừng trồng mới ước đạt được 3.894,76 ha, tăng 1,35% so với cùng kỳ.
Trong tháng 9/2024 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 28.246,8 m3, tăng 5,32% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng số gỗ khai thác đạt được 230.705,3 m3, tăng 2,86% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 9/2024 ước đạt 481 ste, ước 9 tháng đạt 2.844,3 ste, giảm 1,42% so với cùng kỳ.
 
c) Thủy sản: Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 9/2024 đạt 8.144,5 tấn, tăng 5,33% so với tháng cùng kỳ; Ước quý III/2024 đạt 23.708,57 tấn, tăng 0,99%. Lũy kế 9 tháng đạt 63.888,7 tấn, tăng 4,25% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng khai thác đạt 5.868,9 tấn, giảm 0,41% (sản lượng cá khai thác ước đạt 5.083,7 tấn, giảm 0,35%; tôm đạt 379,6 tấn, giảm 1,06%; thủy sản khác đạt 405,5 tấn, giảm 0,5%). Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 9 tháng đạt 58.019,8 tấn, tăng 4,75% so cùng kỳ (sản lượng cá nuôi trồng ước đạt 49.309 tấn, tăng 4,87%; tôm đạt 7.441,6 tấn, tăng 4,31%; thủy sản khác đạt 1.269,2 tấn, tăng 2,37%).

5. Vốn đầu tư phát triển
Dự ước tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh quý III/2024 thực hiện 34.814,3 tỷ đồng, giảm 7,25% so quý II/2024 và tăng 22,42% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 7.315 tỷ đồng, giảm 39,01% so quý II/2024; vốn ngoài nhà nước đạt 13.197,2 tỷ đồng, tăng 6,25% so quý 2/2024; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 14.302,01 tỷ đồng, tăng 9% so quý II/2024.
Dự ước 9 tháng đầu năm 2024 thực hiện 99.512,1 tỷ đồng, tăng 24,72% so cùng kỳ, trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 22.087,2 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 37.640,6 tỷ đồng, tăng 7,58% so cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài đạt 39.784,3 tỷ đồng, tăng 12,99%. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng do bước sang năm 2024 kinh tế có sự phục hồi đáng kể; Sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm tài sản cố định v.v… Đặc biệt trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tiếp tục thi công xây dựng các công trình dự án Quốc gia với quy mô lớn nên vốn đầu tư thực hiện tăng cao.

6. Hoạt động xây dựng
Dự ước giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành trên địa bàn tỉnh quý III/2024 đạt 21.707,1 tỷ đồng, tăng 10,02% so với quý trước và tăng 17,86% so cùng kỳ. Dự ước 9 tháng đầu năm 2024 đạt 59.026 tỷ đồng, tăng 16,02% so cùng kỳ.
Dự ước giá trị sản xuất xây dựng (theo giá so sánh 2010) quý III/2024 đạt 13.644,21 tỷ đồng, tăng 10,35% so với quý II/2024 và tăng 18,37% so cùng kỳ; Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn đạt 37.035,59 tỷ đồng, tăng 17,48% so cùng kỳ.

7. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến ngày 20/9/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.178,04 triệu USD, tăng 22,5% so cùng kỳ, trong đó: cấp mới 70 dự án với tổng vốn đăng ký 676,73 triệu USD, tăng gấp hơn 2,7 lần so cùng kỳ và 90 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 501,31 triệu USD, giảm 29,87% so cùng kỳ.
Từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là 61.949 tỷ đồng, tăng 27,25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 3.505 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 23.691 tỷ đồng, tăng 7,11%; Có 898 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung với số vốn là 38.258 tỷ đồng, tăng 44,02% so cùng kỳ. Ngoài ra có 1.405 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Nhìn chung 9 tháng đầu năm do kinh tế đang phục hồi dần, số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao.
Từ đầu năm đến ngày 31/08/2024, có 484 doanh nghiệp giải thể, tăng 17,1% so với cùng kỳ; có 577 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 4,5%; và 1.758 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 26%. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

8. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải
8.1. Thương mại dịch vụ
Tháng 9 năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển tích cực. Ước tính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 9 đạt 25.656,52 tỷ đồng, tăng 2,82% so với tháng trước và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm ước đạt 218.936,2 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 12.506,54 tỷ đồng, tăng 12,31%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 201.021,76 tỷ đồng, chiếm 91,8% tổng mức bán lẻ và tăng 12,75%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.407,9 tỷ đồng, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành hoạt động như sau:

a) Bán lẻ hàng hóa
Trong tháng 9, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 18.377,56 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước. Quý 3 năm 2024, ước đạt 53.418,6 tỷ đồng, tăng 11,93% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 156.181 tỷ đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có mức tăng trưởng đáng kể gồm: lương thực tăng 6,91%, hàng may mặc tăng 12,4%, đồ dùng và thiết bị gia đình tăng 6,21%, vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 11,04%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 21,89%, xăng dầu các loại tăng 19,91%...
 
b) Lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành
Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 9 năm 2024 đạt 2.780,8 tỷ đồng, tăng 1,73% so với tháng trước. Quý III/2024 doanh thu ước đạt 8.201,7 tỷ đồng, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng doanh thu từ hai lĩnh vực này ước đạt 23.894,7 tỷ đồng, tăng 20,42% so với cùng kỳ. trong đó doanh thu lưu trú tăng 23,98%; doanh thu từ dịch vụ ăn uống tăng 20,38%...
Doanh thu từ hoạt động du lịch lữ hành tháng 9 ước đạt 8,7 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2024 doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 71,9 tỷ đồng, tăng 29,58% so với cùng kỳ.
 
c) Hoạt động dịch vụ
Trong tháng 9 năm 2024, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.489,5 tỷ đồng, tăng 1,16% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Quý III/2024 ước đạt 13.331,2 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 38.788,5 tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ.
 
8.2. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2024 tăng 0,48% so với tháng trước. Nguyên nhân chính dẫn đến CPI tháng 9 tăng khá cao là do giá hàng hóa của một số nhóm ngành có xu hướng tăng đáng kể như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng; may mặc, mũ nón; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch. Cụ thể:
So với tháng trước, CPI tháng 9/2024 tăng 0,48%. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,43%; nông thôn tăng 0,52%.
So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 9/2024 tăng 3,01% so với tháng 9/2023. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,2%; tăng thấp nhất nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,39%. Riêng giao thông giảm 6,28% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá bình quân quý III/2024 so cùng kỳ, tăng 3,39%.
Chỉ số giá bình quân 9 tháng năm 2024 so cùng kỳ, tăng 2,96%. Trong 10 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (+9,07%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+8,79%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+3,57%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,94%); Giáo dục (+2,62%); Giao thông (+1,83%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,44%); Văn hoá giả trí và du lịch (+1,09%); Đồ uống và thuốc lá (+0,97%); May mặc, mũ nón và giày dép (+0,11%). Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,1%.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, đồng USD lại có sự điều chỉnh theo xu hướng giảm nhẹ trong ngắn hạn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng trong dài hạn cụ thể: Trong tháng 9/2024, giá vàng tăng 2,21% so với tháng trước và tăng mạnh 38,1% so với cùng tháng năm 2023. So với tháng 12/2023, giá vàng tăng 27,45%. Bình quân quý III tăng 36,59% và bình quân 9 tháng giá vàng tăng 29,59% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 giảm 1,81% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng tháng năm 2023, chỉ số này vẫn tăng 2,28%, và so tháng 12/2023, mức tăng đạt 1,25%. Bình quân quý III tăng 5,28% và bình quân 9 tháng, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước.
 
8.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 2.238,71 triệu USD, giảm 1,22% so với tháng trước nhưng tăng 30,75% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng so với tháng trước như: hạt điều tăng 0,18%, cà phê tăng 1,62%, hạt tiêu tăng 0,93%; giày dép tăng 0,27%. Tuy nhiên, một số mặt hàng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ dẫn đến sự sụt giảm, gồm sản phẩm gỗ giảm 1,57%, hàng dệt may giảm 3,39%, máy vi tính giảm 0,27%, xơ sợi giảm 2,72%, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng giảm 0,54%...
Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17.896,12 triệu USD, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu từ khu vực kinh tế nhà nước tăng 6,8%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 9,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,21%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng trưởng đáng kể như: Hạt điều tăng 45,04%, cà phê tăng 51,25%, sản phẩm gỗ tăng 14,28%, hàng dệt may tăng 10,16%, giày dép tăng 7,2%, máy vi tính tăng 15,25%, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 9,28%, xơ sợi tăng 6,34%...
Trong 9 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 5.683 triệu USD, chiếm 31,75% tổng xuất khẩu; Nhật Bản đạt 1.720 triệu USD, chiếm 9,61%; Trung Quốc đạt 1.700 triệu USD, chiếm 9,5%; Hàn Quốc đạt 983 triệu USD, chiếm 5,5%... Các thị trường này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm 2024 ước tính đạt 1.623 triệu USD, tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 12.908,6 triệu USD, tăng 10,11% so với cùng kỳ. Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước có dấu hiệu phục hồi tích cực, khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Một số mặt hàng nhập khẩu chính trong 9 tháng đầu năm bao gồm: sản phẩm hóa chất tăng 3,74%, chất dẻo nguyên liệu tăng 14,96%, cao su tăng 17,17%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,29%, xơ sợi dệt tăng 20,62%, máy vi tính, linh kiện điện tử tăng 34,76%.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.008 triệu USD, chiếm 31,05%, tiếp theo là Hàn Quốc (1.732,2 triệu USD), Nhật Bản (828,4 triệu USD), Hoa Kỳ (728,5 triệu USD)…
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuất siêu ước đạt 4.988 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 554,2 triệu USD.

8.4. Giao thông vận tải
Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 9/2024 ước đạt 3.209,6 tỷ đồng, tăng 2,42% so với tháng trước và 15,78% so với cùng kỳ năm trước. Quý III, doanh thu ước đạt 9.471,6 tỷ đồng, tăng 15,5% so quý cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đạt 28.438,5 tỷ đồng, tăng 15,49%.
Vận tải hành khách: Tháng 9 ước đạt hơn 7 triệu lượt khách (tăng 2,87% so tháng trước), lũy kế 9 tháng đạt 64,1 triệu lượt (tăng 11,08%). Doanh thu vận tải hành khách 9 tháng ước đạt 3.691,5 tỷ đồng, tăng 17,37%.
Vận tải hàng hóa: Tháng 9 ước đạt 8 triệu tấn, lũy kế 9 tháng đạt 71,35 triệu tấn, tăng 13,44% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa 9 tháng ước đạt 16.359,8 tỷ đồng, tăng 16,31%.
Dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải: Tháng 9 ước đạt 945,2 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 8.378,2 tỷ đồng (tăng 13,14%). Sự gia tăng này chủ yếu do hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, làm tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics, bốc xếp và kê khai hải quan.
- Bưu chính: Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng 9 ước đạt 22,18 tỷ đồng, tăng 12,55% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 196,4 tỷ đồng, tăng 12,01% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do sự gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến, đặc biệt là qua các thiết bị di động. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm này nhờ vào tính tiện lợi và khả năng so sánh giá cả cũng như tìm kiếm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn đã tác động đến doanh thu dịch vụ chuyển phát tăng so cùng kỳ.
- Viễn thông: Doanh thu quý 3/2024 ước đạt 2.409 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 7.002 tỷ đồng, tăng 5,87% so cùng kỳ.
Số thuê bao điện thoại và Internet đều tăng so với quý trước, trong đó:
+ Số thuê bao điện thoại phát triển mới quý 3/2024 ước đạt 257.257 thuê bao, tăng 2,71%. Lũy kế 9 tháng năm 2024 Số thuê bao điện thọai phát triển ước đạt 752.336 thuê bao, tăng 4,12% so cùng kỳ. Trong đó: Thuê bao cố định ước đạt 815 thuê bao, giảm 12,56% so cùng kỳ và 751.521 thuê bao di động, tăng 4,15% so cùng kỳ.
+ Số thuê bao Internet phát triển mới quý 3 năm 2024 ước đạt 36.965 thuê bao, tăng 2%. Lũy kế 9 tháng năm 2024 số thuê bao Internet phát triển mới đạt 108.702 thuê bao, tăng 2,67% so với cùng kỳ.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Văn hóa - thể thao
Hoạt động văn hóa luôn được quan tâm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: Trang trí tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh bằng nhiều hình thức như: Thực hiện bộ maket tuyên truyền; treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ nội dung, cờ phướn, băng rôn; thay đổi nội dung pano hộp đèn,..
Hoạt động thể thao tập trung tổ chức và tham gia các giải thể dục thể thao quần chúng như: Hội diễn Lân -Sư - Rồng; Giải đua thuyền truyền thống; Giải CLB cờ vua, cờ tướng; Giải đua xe đạp; Tổ chức Lễ phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Đồng Nai"; Giải Vô địch Muay trẻ quốc gia; Giải vô địch Cầu mây trẻ; Giải Thể dục dưỡng sinh; Giải Vô địch Vovinam tỉnh Đồng Nai năm 2024….
 
3. Y tế
 Sốt xuất huyết: trong tháng ghi nhận 1.161 ca mắc, tăng 17,3% so với tháng trước và tăng 41,07% so với tháng cùng kỳ, không có ca tử vong; lũy kế 9 tháng ghi nhận 3.500 ca, tăng 7,2% so cùng kỳ, có 01 ca tử vong.
Tay chân miệng: ghi nhận 347 ca mắc, giảm 46,28% so với tháng trước và giảm 79,73% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 9 tháng ghi nhận 3.817 ca, giảm 37,76% so cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong.
Sởi: ghi nhận 81 ca mắc, tăng hơn 5 lần so với tháng trước; lũy kế 9 tháng ghi nhận 100 ca, tăng 99 ca so cùng kỳ, không có ca tử vong.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 9/2024 đã thực hiện 747 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm trên 12.192 tổng số cơ sở, trong đó: 711 cơ sở đạt (chiếm 95,18%); số cơ sở vi phạm là 36, đã nhắc nhở 36 cơ sở, xử phạt hành chính 01 cơ sở với số tiền 06 triệu đồng, không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Cộng dồn từ đầu năm đến nay xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 657 ca mắc, ghi nhận 01 ca mắc tử vong.
 
4. Giáo dục
Ngày 05/9/2024, cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, hơn 750 ngàn học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Đồng Nai sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư các nguồn lực cần thiết cho giáo dục, từ đó thúc đẩy nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo trong đó có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Các trường học đều xây dựng kế hoạch năm học mới, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ để phấn đấu hoàn thành trong năm học. Tùy theo điều kiện, các trường sẽ phát huy thế mạnh để nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là năm học có nhiều thay đổi trong dạy và học. Các cấp học, từ lớp 1-12 sẽ thực hiện đồng bộ dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tình hình trường, lớp, học sinh năm 2024-2025: Năm học 2024-2025, tổng số trường học trên địa bàn tỉnh là 911 trường (mầm non: 369, tiểu học: 280, trung học cơ sở: 186, trung học phổ thông: 76 trường), với 770.526 học sinh các cấp (mầm non: 165.914, tiểu học: 294.578, trung học cơ sở: 216.084, trung học phổ thông: 93.950).
 
5. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề
- Giải quyết việc làm: Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 79.157 lượt người (đạt 98,95% kế hoạch năm, tăng 20,11% so với cùng kỳ năm 2023).

- Đào tạo nghề: 9 tháng năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 57.374 người, đạt 88,27% kế hoạch năm, tăng 0,53% so với năm 2023, trong đó: Cao đẳng là 4.350 người, Trung cấp 12.489 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 40.535 người.

Trong 9 tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp cho 46.942 học viên, đạt 78,24% so với kế hoạch năm, giảm 2,66% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 67,51% cuối năm 2023 lên 68,28% vào tháng 9 năm 2024, trong đó: Cao đẳng tốt nghiệp 2.004 học viên, Trung cấp tốt nghiệp 4.533 học viên, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 40.405 học viên.

Trên đây là các nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cục Thống kê xin được thông báo.”
“thongke.dongnai.gov.vn”

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang