Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
logictics
Dịch bệnh khiến cho
nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất tạm ngưng hoạt động, cùng với đó là sự quá tải
hàng chờ tại Cảng Cát Lái đã làm cho nhiều DN ngành logictics, dịch vụ xuất nhập
khẩu cũng bị ảnh hưởng theo. Do đặc thù người lao động thường xuyên phải di
chuyển, nguy cơ cao về lây nhiễm, các DN rất mong sớm được ưu tiên cho nhân
viên tiêm vaccine ngừa dịch, đồng thời sớm có giải pháp ổn định lại tình hình
hoạt động của các cảng.
ICD Tân Cảng Nhơn Trạch là một trong những khu vực để có thể giải phóng hàng tồn cho Cảng Cát Lái trước mắt.
Lo đứt gãy chuỗi logictcs
Từ ngày 30-7, cảng
Cát Lái đã có văn bản tạm ngừng tiếp nhận container vì lượng tồn tại đây rất
nhiều, lên tới 127 ngàn container. Việc ùn tắc này cần phải có giải pháp kịp thời.
Cảng Cát Lái là cảng chính cho DN nhập hàng hoá, nguyên liệu về sản xuất tuy
nhiên việc nhiều DN tạm ngưng hoạt động nên việc nhận hàng bị chậm trễ. Bên cạnh
đó, ngay tại cảng, nhân lực để duy trì hoạt động liên tục cho cảng cũng giảm xuống
khoảng 50% do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chỉ còn 250 người/ngày, nhất là
công nhân xếp dỡ tàu ngày càng thiếu trầm trọng. Điều đó buộc Cảng Cát Lái phải
tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi, dẫn đến nguy cơ
phải gián đoạn hoạt động là hoàn toàn có thể xảy ra như đã xảy ra tại các cảng
của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua. Mặc dù tới thời điểm hiện
nay, việc hoạt động của cảng này đã ổn định trở lại song trước tình hình phức tạp
của dịch bệnh, mọi biến động khó lường sẽ có thể xây ra bất cứ lúc nào.
Đối với với các DN vận
tải container trên địa bàn tỉnh, ngoài sự ùn ứ tại các cảng, nỗi lo lắng bây giờ
còn là sự an toàn của nhân viên giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu từ nhà máy đến
cảng và ngược lại cũng như sự thông suốt về lưu thông trên đường. Khác với các
DN sản xuất có thể thực hiện 3 tại chỗ khi đảm bảo yêu cầu để phòng chống dịch
bệnh nhưng DN vận tải hàng hoá thì không thể. Đặc thù của vận tải hàng là phải
luân chuyển liên tục, hàng chục tài xế, nhân viên giao nhận thường xuyên phải
di chuyển nên rất lo cho anh em, nhất là nguy cơ có thể bị nhiễm bệnh bất cứ
lúc nào.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Trước việc khó khăn của
Cảng Cát Lái cũng như ảnh hưởng chung tới DN, Bộ Giao thông - vận tải (GTVT)
cũng có văn bản gửi UBND TP.Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị 2 địa
phương tham gia xử lý khó khăn để giải phóng hàng ở cảng.
Theo đó, thời gian tới,
để giảm tải tại cảng biển sầm uất nhất Việt Nam hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải
kiến nghị cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập
khẩu nói chung trong đó có container tồn đọng trên 90 ngày về lưu giữ, thông
quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại các cơ sở của Tổng Công
ty là cảng Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD Tân Cảng Nhơn Trạch
(Đồng Nai), ICD Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương), ICD Tân Cảng Long Bình (Đồng
Nai),..
Bên cạnh đó, các địa
phương xem xét ưu tiên cho lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất cảng;
cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất cảng (nếu không lưu trú ở
khu vực dân cư đang bị phong tỏa) được cấp phép lưu thông đến cảng làm việc. Lao
động đang cư trú tại huyện Nhơn Trạch thì cho phép lưu thông qua phà Cát Lái để
vào cảng làm việc nếu có giấy xác nhận làm việc tại cảng và giấy chứng nhận xét
nghiệm âm tính còn hiệu lực.
Tiếp sau các kiến nghị
của Bộ Công thương, Bộ GTVT, ngày 7-8, Văn Phòng Chính phủ đã có văn bản thông
báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các bộ và
TP.HCM tiếp tục chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý
những vướng mắc không để tình trạng ùn tắc hàng hóa tiếp tục xảy ra tại khu vực
cảng.
Đối với các DN vận
chuyển hàng hoá, dịch vụ xuất nhập khẩu, việc ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe
cũng như giảm bớt những quy định cứng nhắc, tạo sự thông thoáng hơn trong hoạt
động là rất cần thiết. Tại Đồng Nai, Sở GTVT cũng đã cho các DN đăng ký danh
sách cần ưu tiên tiêm phòng vaccine. Các DN trong ngành hy vọng sẽ sớm được các
cơ quan có thẩm quyết phân bổ để tiêm cho người lao động.
Phan Anh