(CTT-Đồng Nai) - Những năm qua, Đồng Nai liên tục đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và luôn duy trì vị trí top đầu cả nước. Các dự án FDI vào Đồng Nai đều đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao, thân thiện môi trường, không thâm dụng lao động…

Dây chuyền sản xuất công nghệ cao của Công ty CP công nghiệp chính xác Việt Nam, một doanh nghiệp đến từ Đài Loan tại KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom
Dây chuyền sản xuất công nghệ cao của Công ty CP công nghiệp chính xác Việt Nam, một doanh nghiệp đến từ Đài Loan tại KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom
Trong những ngày đầu năm 2025, Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án. Trong đó, 8 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký gần 278 triệu USD, dự án FDI chiếm 7/8 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 243 triệu USD. Các dự án đầu tư tăng vốn được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần này có tổng vốn đầu tư gần 460 triệu USD, trong đó có 5 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 440 triệu USD và 1 dự án đầu tư trong nước 494 tỷ đồng (tương đương gần 20 triệu USD).
Để tiếp tục trở thành miền đất lành của các nhà đầu tư FDI, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai không ngừng nỗ lực khắc phục những hạn chế, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời công khai thông tin, đa dạng kênh tiếp cận, tạo môi trường đầu tư lành mạnh nhất để mời gọi các nhà đầu tư đến với Đồng Nai. Đặc biệt, Đồng Nai liên tục mở rộng diện tích đất cho các khu công nghiệp (KCN) để mời gọi nhà đầu tư đến với Đồng Nai. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng quy mô, trở thành những đối tác hàng đầu của Đồng Nai.
Là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, đã hoạt động tại Đồng Nai từ nhiều năm, sau nhiều lần tăng vốn đầu tư, đến nay, Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (SMC) trở thành top những doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Đồng Nai, ông Matsui Takao, Tổng Giám đốc SMC chia sẻ, trong quá trình hoạt động tại Đồng Nai, SMC thường xuyên mở rộng đầu tư. Khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thêm ngành nghề tăng vốn, các thủ tục liên quan đến môi trường, phòng cháy chữa cháy...SMC luôn nhận được sự hỗ từ đơn vị kinh doanh hạ tầng là Công ty TNHH đầu tư Long Đức nên mọi việc thuận lợi. Theo ông Matsui Takao, Đồng Nai có môi trường đầu tư tốt. Thời gian qua, SMC vẫn luôn kêu gọi những doanh nghiệp đối tác của SMC tại Nhật Bản đến Đồng Nai để đầu tư các dự án.
Là một trong những KCN đầu tiên hình thành tại Đồng Nai từ một doanh nghiệp FDI, KCN Amata (thành phố Biên Hòa) của Tập đoàn Amata (Thái Lan) được đánh giá là KCN thành công của Đồng Nai cũng như Việt Nam khi được lựa chọn trong số hơn 300 KCN của cả nước tham gia vào dự án thí điểm xây dựng khung mô hình KCN sinh thái, sử dụng kinh tế tuần hoàn để xây dựng nên quy chuẩn mới cho các KCN trong tương lai của Việt Nam. Sau 30 năm có mặt tại Việt Nam (1994), Amata đã tạo dựng được thương hiệu riêng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển khắp các vùng kinh tế chiến lược trải dài khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam. Ngoài KCN Amata Biên Hòa, Tập đoàn Amata còn có KCN công nghệ cao Long Thành, đây cũng là KCN công nghệ cao đầu tiên tại Đồng Nai, chỉ thu hút các dự án công nghệ cao.
Chia sẻ về những thành quả cũng như dự định tương lai, Chủ tịch Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit cho biết, Tập đoàn Amata hiện có hơn 1,6 ngàn khách hàng cùng hợp tác tại Thái Lan và Việt Nam. Tại Thái Lan, Tập đoàn Amata đã đầu tư vào phát triển các khu đô thị công nghiệp thông minh, công nghệ cao. Trên những kết quả đã đạt được, Amata luôn mong muốn sẽ mang đến Việt Nam những mô hình đô thị công nghiệp thông minh tương tự như Thái Lan. Chủ tịch Tập đoàn Amata khẳng định, tương lai của Tập đoàn Amata tại Việt Nam là sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động nhiều hơn nữa, phấn đấu đạt được nhiều thành công trong tương lai. Trong tương lai, Amata cam kết sẽ xây dựng các dự án theo mô hình không phát thải, không nước thải, không rác thải như đã từng xây dựng tại Thái Lan.
Song song với việc tăng cường xúc tiến đầu tư, nắm bắt, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, Đồng Nai còn chú trọng mở rộng quỹ đất, khai thác triệt để những lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển. Điển hình là ngay trong tháng 2-2025, Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Long Đức (giai đoạn 2), tại huyện Long Thành. Với quyết định này, Đồng Nai có thêm gần 294 hécta đất để thu hút các dự án đầu tư mới.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, việc được chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Long Đức (giai đoạn 2) đã góp phần giúp Đồng Nai có 37 KCN có nhà đầu tư. Trong đó, 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng và 5 KCN vừa được thành lập trong năm 2023 và 2024, bao gồm các KCN: Long Đức 3, Phước Bình 2, KCN Long Đức (giai đoạn 2), Bàu Cạn - Tân Hiệp giai đoạn 1, Xuân Quế - Sông Nhạn giai đoạn 1.
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024, đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 KCN. Đồng thời là địa phương có nhiều KCN nhất cả nước. Đồng Nai hiện thu hút dòng vốn đầu tư từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 1,7 ngàn dự án, tổng vốn đầu tư các dự án đạt trên 35 tỷ USD.