Nội dung câu hỏi:
Căn cứ Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức; thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28/4/2010 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức văn thư, lữu trữ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; Công văn số 2939/BNV-TL ngày 04/10/2005 của Bộ Nội vụ về chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức viên chức ngành lưu trữ; Căn cứ Công văn số 607/SGĐT-VP ngày 28/02/2023 của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai về việc triển khai Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh. Căn cứ Công văn 1013/UBND-TCCB ngày 23/3/2023 của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai về việc rà soát, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân viên trường học các trường công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. theo như các văn bản trên thì nhân viên văn thư trường học có được hưởng chế độ gì không?
* Sở Nội vụ có ý kiến trả lời tại Công văn số 1436/SNV-QLBC&CCVC ngày 13/4/2023 như sau:
Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại khoản 2 phần II Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể như sau:
“2. Quy định áp dụng các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm:
a) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:
a1) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.
a2) Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
a3) Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.
a4) Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm
2 mục II nêu trên.
c) Mức 3, hệ số 0,3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm
2 mục II nêu trên.
d) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại tiết a điểm 2 mục II nêu trên.”
Việc áp dụng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức thực hiện quy định nêu trên, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí việc làm.
Căn cứ phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức của tỉnh, việc giải quyết chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức của Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng nhà trường và Chủ tịch UBND huyện, thành phố xem xét, quyết định; đối với viên chức của Trường Trung học phổ thông thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.
Sở Nội vụ đề nghị Văn phòng UBND tỉnh thông tin đến công dân biết, liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định.