(CTT-Đồng Nai) - Trong khuôn khổ Festival Gốm truyền thống Biên Hòa 2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi tọa đàm "Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm mỹ nghệ truyền thống trong thời kỳ hội nhập" vào cuối tháng 4-2025.

Toàn cảnh chương trình tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm mỹ nghệ truyền thống trong thời kỳ hội nhập” do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4-2025
Toàn cảnh chương trình tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm mỹ nghệ truyền thống trong thời kỳ hội nhập” do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4-2025
Các chuyên gia tại sự kiện này đều cho rằng, việc bảo tồn, phục hồi và phát triển nghề gốm truyền thống Biên Hòa đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền (thông qua các chính sách hỗ trợ) và những cá nhân, doanh nghiệp đam mê. Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường xúc tiến thương mại để sản phẩm gốm Biên Hòa có thể cạnh tranh và phát triển trên thị trường quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Văn Hữu Đồng, các doanh nghiệp gốm Biên Hòa cần tập trung vào việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng và thị trường xuất khẩu để bảo tồn và phát triển trong thời kỳ hội nhập. Ông đặc biệt lưu ý đến việc đổi mới kênh phân phối bằng cách tăng cường quảng bá, kết nối giao thương, phát triển thương mại điện tử và tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới, ông Văn Hữu Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết Sở sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là các doanh nghiệp gốm, hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững và mở rộng thị trường. Các hoạt động này bao gồm việc cung cấp kiến thức về các FTA thế hệ mới và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu hiệu quả hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Thắng, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ nghệ nhân và cơ sở sản xuất gốm tham gia chương trình OCOP, tập trung phát triển các sản phẩm gốm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Sở khuyến khích đổi mới thiết kế, mẫu mã sản phẩm gốm Biên Hòa theo hướng hiện đại và tăng cường quảng bá thương hiệu, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý và hình ảnh riêng cho gốm truyền thống Đồng Nai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng khẳng định rằng việc bảo tồn và phát triển nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa đòi hỏi sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, doanh nghiệp, cùng với sự lan tỏa và kết nối từ cộng đồng xã hội. Ông cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của gốm Biên Hòa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy du lịch, kinh tế, sáng tạo và xây dựng thương hiệu cho tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế.