(CTT-Đồng Nai) - Bà L., 68 tuổi, ngụ huyện Định Quán có tiền sử bệnh tiểu đường tuyp 2, từng được mổ lấy sỏi thận cách đây 10 năm. Vài ngày trước, bà L. nhập viện trong tình trạng đau hông, đau lưng âm ỉ kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lấy sỏi cho bệnh nhân
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lấy sỏi cho bệnh nhân
Bác sĩ Hà Minh Chi, Khoa Ngoại niệu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khá nhiều sỏi ở thận phải và niệu quản phải, rải rác từ trên thận xuống đến niệu quản, gần bàng quang. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường type 2, đang điều trị. Cách đây 10 năm, bà L. đã từng được mổ mở lấy sỏi thận.
Trong 2 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã phẫu thuật, lấy toàn bộ 17 viên sỏi cho bệnh nhân. Bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện trong ít ngày tới.
Theo bác sĩ Chi, đây là một trường hợp sỏi tái phát trong thận và niệu quản phức tạp. Do bệnh nhân đã mổ mở một lần nên các cấu trúc giải phẫu đã thay đổi khiến việc bóc tách để lấy sỏi lần này khó khăn hơn nhiều.
Mặt khác, bệnh nhân đã lớn tuổi, có bệnh nền, sỏi nằm rải rác ở nhiều nơi trong thận và niệu quản xuống gần bàng quang nên các bác sĩ phải rất thận trọng để lấy hết nhiều sỏi ra ngoài.
Sỏi thận và sỏi niệu quản nếu không được điều trị triệt để có thể gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những người có sỏi thận nên thăm khám và điều trị sớm. Sau khi mổ lấy sỏi cần tái khám từ 3-6 tháng; nên ăn nhạt, uống nhiều nước, từ 2 lít/ngày trở lên.