Trong hơn 300 năm (1636 - 1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1636 - 1775), là Kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1801), rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới thời 13 triều vua Nguyễn (1802 - 1945). Với tư cách là Kinh đô, Phú Xuân - Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu các luồng văn minh nhân loại. Trong các cố đô của Việt Nam, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, với những di sản văn hóa phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và những biến động của lịch sử, kho tàng di sản ấy đã bị tàn phá rất nặng nề. Gần 2/3 số công trình nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trở thành phế tích; số còn tồn tại cũng ở trong tình trạng bị hư hại nghiêm trọng. Các di sản phi vật thể cũng bị mai một, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình tản mát và dần đi vào đời sống dân gian.