Nâng cao kỹ năng triển khai Luật Căn cước năm 2023

Thứ ba - 24/12/2024 11:01
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Luật Căn cước năm 2023 là một trong những bộ luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xã hội văn minh và an toàn.

Đại úy Ngô Thanh Tâm (Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh) triển khai nội dung Luật Căn cước năm 2023
Đại úy Ngô Thanh Tâm (Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh) triển khai nội dung Luật Căn cước năm 2023

Để pháp luật đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn về triển khai những điểm mới, nội dung chính của Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-4-2024) cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Nhiều quy định mới thiết thực
 
Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu được nghe Đại úy Ngô Thanh Tâm (Phó đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh) triển khai những điểm mới và điều chỉnh quan trọng trong Luật Căn cước năm 2023. Chẳng hạn, đối tượng áp dụng được mở rộng hơn so với Căn cước công dân (CCCD) năm 2014; ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
 
Luật Căn cước năm 2023 chính thức đổi tên “CCCD” thành “căn cước”. Việc đổi tên này vẫn bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của luật. Đặc biệt, việc đổi tên không tác động, ảnh hưởng đến người dân, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Luật Căn cước năm 2023 có điểm mới là sẽ “khai tử” chứng minh nhân dân kể từ ngày 1-1-2025 (Điều 46); bỏ đi trường thông tin “quê quán”, “nơi thường trú”, “vân tay”, “đặc điểm nhận dạng” và sẽ thay vào đó là “nơi đăng ký khai sinh” và “nơi cư trú”; mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước; cấp thẻ căn cước cho người từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và dưới 6 tuổi.
 
So với Luật CCCD năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt nhằm đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh đó, Luật Căn cước năm 2023 còn bổ sung quy định cấp “căn cước điện tử” (Điều 31). Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
 
Ngoài ra, Đại úy Ngô Thanh Tâm còn chia sẻ một số vấn đề khác liên quan đến Luật Căn cước năm 2023 như: thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; những trường hợp bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; thẩm quyền thu hồi, giữ thẻ căn cước; các trường hợp bị khóa căn cước điện tử; các trường hợp được mở khóa căn cước điện tử…
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Thời gian qua, đội ngũ báo cáo viên pháp luật giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Do vậy, Sở Tư pháp thời gian qua thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn các luật, quy định pháp luật mới nhằm giúp đội ngũ này nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.
 
Tuy nhiên, việc triển khai và thực thi luật này không phải là công việc đơn giản, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các sở, ban, ngành. Hơn nữa, các cơ quan công an tại địa phương và mỗi cán bộ, công chức luôn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải những kiến thức, quy định của pháp luật, các kỹ năng thực tiễn đến từng người dân, giúp nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật một cách đầy đủ, nghiêm túc.
 
Do vậy, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tập huấn báo cáo viên pháp luật quý IV-2024 nhằm triển khai những điểm mới, nội dung chính về Luật Căn cước năm 2023. Mục đích tập huấn nhằm giúp đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nắm bắt tốt các quy định pháp luật để tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nơi công tác và nhân dân trên địa bàn, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong thời gian tới.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây