Phát huy vai trò kết nối Nhân dân xây dựng địa phương

Chủ nhật - 26/05/2024 09:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh đã thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận là: tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo; thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Người khuyết tật tại thành phố Long Khánh được hỗ trợ nhận quà thông qua phiên chợ nhân đạo 0 đồng do Hội Chữ thập đỏ thành phố thực hiện.
Người khuyết tật tại thành phố Long Khánh được hỗ trợ nhận quà thông qua phiên chợ nhân đạo 0 đồng do Hội Chữ thập đỏ thành phố thực hiện.

Điều này đã góp phần huy động hiệu quả sức dân vào quá trình phát triển của địa phương, hỗ trợ người yếu thế.

Huy động sức dân thực hiện công tác an sinh

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu đã vận động được 4,5 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo. Qua đó, quỹ đã tổ chức xây dựng và bàn giao 101 căn nhà tình thương, sửa chữa 55 căn nhà khác. Đây là con số rất ấn tượng trong quá trình xây dựng mái ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh.

Ngoài ra, các mô hình mắt sáng cho người nghèo đã góp phần cải thiện thị lực cho hàng trăm trường hợp người cao tuổi. Theo bà Đỗ thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện - thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu, đều đặn hàng tuần các bếp ăn từ thiện còn nấu và trao hàng trăm phần ăn miễn phí cho người thân cùng bệnh nhân điều trị tại trung tâm y tế huyện, trao tận nhà cho những người già neo đơn và người khuyết tật.

Còn tại thành phố Long Khánh, thời gian qua MTTQ Việt Nam các cấp tại thành phố cũng dành nhiều sự động viên, quan tâm và khuyến khích các cơ sở tôn giáo cùng mở rộng vòng tay trợ giúp những người sống lang thang, cơ nhỡ, trẻ mồ côi nhằm huy động sức dân giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Mới đây, MTTQ Việt Nam thành phố đã tuyên dương thượng tọa Thích Giác Đăng, trụ trì tịnh xá Ngọc Xuân, vì đã tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội.

Thượng tọa Thích Giác Đăng cho hay, năm 2019, ông đảm nhận việc chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa. Ngoài ra, thông qua giới thiệu của MTTQ Việt Nam phường, nhà chùa duy trì trợ giúp hàng tháng cho 20 trường hợp tại cộng đồng. Thời gian qua, những hoạt động đạo - đời của chùa đều có sự quan tâm, hỗ trợ của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, chính quyền địa phương.

Đặc biệt, hiện thành phố đang duy trì hiệu quả mô hình Quán cơm 2 ngàn đồng. Mới đây, mô hình này đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chọn tuyên dương là điển hình trong thực hiện công tác an sinh xã hội. Quán phục vụ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với 100-150 suất ăn. Ngoài ra, quán ăn còn bố trí mỗi ngày từ 100 phần ăn trở lên để chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Bà Võ Thị Hồng (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bên con bò được nhận từ Chương trình Ngân hàng bò do Hội Chữ thập đỏ thực hiện
Bà Võ Thị Hồng (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bên con bò được nhận từ Chương trình Ngân hàng bò do Hội Chữ thập đỏ thực hiện

Mỗi người một hành động bảo vệ môi trường

Một kết quả tích cực khác mà MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu và thành phố Long Khánh đạt được là đã vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể.

Tại thành phố Long Khánh nơi 45,8% trong tổng số hơn 168 ngàn dân là đồng bào có đạo và 10% dân số là đồng bào thuộc 12 dân tộc thiểu số, thời gian qua đã xây dựng có hiệu quả các mô hình đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường.

Như phường Bảo Vinh là nơi có khu đồng bào Chơro sống tập trung, nhiều cơ sở tôn giáo cũng có mặt trên địa bàn này. Do vậy, Mặt trận phường đã xây dựng mô hình chùa Minh Trí, nhân dân tổ 2, khu phố Suối Chồn tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tuyến đường kiểu mẫu. Qua đó, có 29 thành viên là phật tử nhà chùa đóng vai trò nòng cốt trong vận động phát quang bụi rậm, trồng cây tạo cảnh quan.

Ông Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào Chơro của phường, cho biết qua tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhà nào có chăn nuôi cũng bố trí chỗ thu gom chất thải và xử lý tốt nhất theo khả năng của gia đình. Điều này góp phần giảm mùi hôi trong chăn nuôi, nước thải không chảy tràn ra mặt đường giao thông như trước kia và xây dựng cảnh quan tốt hơn.

Còn với huyện Vĩnh Cửu nơi gần 80% diện tích của huyện là đất rừng và lòng hồ Trị An; nhiều khu dân cư sống tiếp giáp với bìa rừng, lòng hồ hoặc bên trong 2 khu vực này. Do vậy, nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được Mặt trận huyện cùng các tổ chức thành viên triển khai thực hiện nhằm vận động Nhân dân không xả thải ra môi trường tự nhiên, tham gia cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng, giữ sạch hồ nước.

Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các xã, trường học trên địa bàn đã thành lập các câu lạc bộ xanh. Bằng hành động dọn vệ sinh nơi công cộng, trồng cây xanh trong khu dân cư…, những câu lạc bộ này đã trực tiếp tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, MTTQ các cấp tại huyện Vĩnh Cửu, nhất là địa bàn tiếp giáp lòng hồ, có khu dân cư trên các làng bè giữa lòng hồ, đã phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân không sử dụng ngư cụ cấm.
Người khuyết tật nhận quà từ mô hình Quán cơm 2 ngàn đồng tại thành phố Long Khánh.
Người khuyết tật nhận quà từ mô hình Quán cơm 2 ngàn đồng tại thành phố Long Khánh.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây