(CTT-Đồng Nai) - Để nông sản đạt chuẩn hữu cơ cần rất nhiều sự đầu tư cả về tri thức lẫn nguồn vốn nên không dễ nhân rộng. Ngay cả những nước phát triển, sản phẩm hữu cơ vẫn là dòng sản phẩm cao cấp khá kén khách mua. Nhưng thời gian qua, Đồng Nai thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC).

Vườn sầu riêng đã đạt chứng nhận hữu cơ của Tổ hợp tác cây sầu riêng xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ
Vườn sầu riêng đã đạt chứng nhận hữu cơ của Tổ hợp tác cây sầu riêng xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đặt mục tiêu phát triển NNHC là một trong 4 nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Theo đó, các địa phương của Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiến tới làm NNHC.
Nhiều mô hình hay
Vài năm trở lại đây, sản phẩm hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Theo đó, sản xuất hữu cơ cũng được DN, HTX, nông dân quan tâm đầu tư. Trong đó, Đồng Nai thu hút được nhiều DN đầu tư NNHC, trở thành đầu tàu xây dựng nhân rộng quy mô sản xuất hữu cơ.
Sau hơn 1 năm UBND tỉnh và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với các sản phẩm vật nuôi, cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, DN này đã hợp tác với một số địa phương của tỉnh triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa, nuôi heo hữu cơ. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, để sản xuất hữu cơ bền vững cần phải giải bài toán khó về câu chuyện đầu ra. Chính vì vậy, DN không chỉ chú trọng tập huấn về kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho nông dân mà tập huấn rất kỹ những kiến thức về giá thành, về bán hàng. Vì khi nông dân hiểu thương trường thì họ mới trân trọng khách hàng. Từ đó, nông dân mới thay đổi nhận thức để thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ và dần xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng ngay tại vùng trồng và tìm được thị trường tiêu thụ tại chỗ cho nông sản hữu cơ.
Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) cho hay, DN sản xuất phân bón hữu cơ nên từ những ngày đầu bắt tay đầu tư trang trại trồng trái cây, rau quả trong nhà màng đã theo quy trình sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm của trang trại đều đưa đi kiểm nghiệm và đều đạt mẫu sản phẩm rau, trái cây có nguồn gốc hữu cơ, không phát hiện thành phần phân bón vô cơ. Tuy quy trình sản xuất của DN đã đạt những điều kiện khắt khe như: đất, nước, phân bón, môi trường... đều sạch. Tuy nhiên, quy trình để đạt chứng nhận sản phẩm không phải dễ, DN đang triển khai các bước để sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ vì có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu rau, trái hữu cơ.
Bà Hồ Thị Phùng Hân đang đầu tư mô hình trang trại sản xuất hữu cơ gắn với du lịch sinh thái tại H.Long Thành chia sẻ, hiện 2 DN do bà đại diện là Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ sản xuất Long Minh Hân và Công ty TNHH đầu tư phát triển công nghệ cao Donasa Farm đang đầu tư các trang trại sản xuất quy mô khoảng 30ha trồng các loại cây ăn trái đặc sản cũng như các loại rau, quả. Nhờ ngay từ những ngày đầu, DN đều thực hiện theo quy trình sản xuất hưu cơ nên sản phẩm đạt chất lượng cung cấp vào các hệ thống siêu thị lớn. Hiện DN đang làm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm để xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

Mô hình nuôi heo bản địa theo chuẩn hữu cơ của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất
Mô hình nuôi heo bản địa theo chuẩn hữu cơ của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất
Tiếp tục được nhân rộng
Theo Sở NN-PTNT, qua khảo sát mẫu đất, mẫu nước để phân tích các chỉ tiêu, toàn tỉnh có 99 vùng có đủ điều kiện để phát triển NNHC với diện tích trên 3,1 ngàn ha (chiếm 1,5 tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp).
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quế cho biết, từ chủ trương đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, huyện, xã Xuân Quế đã chủ động triển khai chính sách riêng khuyến khích làm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Với thổ nhưỡng đất đỏ rất phù hợp cho cây sầu riêng phát triển nên xã đã xác định sầu riêng là cây chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn xã có hơn 300ha trồng sầu riêng. Trong đó, địa phương hỗ trợ cho Tổ hợp tác cây sầu riêng xã Xuân Quế với diện tích gần 70ha làm mô hình điểm trồng sầu riêng hữu cơ; nhất là hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận hữu cơ. Đến nay, có 3,3ha sầu riêng đã đạt chứng nhận hữu cơ và từ mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn bộ tổ hợp tác trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho hay, trên đất hộ dân quản lý, địa phương đã rà soát, lập quy hoạch được 9 vùng sản xuất NNHC với diện tích gần 71ha. Về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã triển khai thực hiện 14 mô hình với 67 điểm trình diễn. Trong đó, 1 mô hình trồng bưởi đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; mô hình làm du lịch sinh thái gắn với sản xuất hữu cơ của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3 đang đề xuất cấp giấy chứng nhận. Hai mô hình trên đều được Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng bằng khen. Ngoài ra, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học (IMO) được thực nghiệm và chuyển giao cho hơn 250 hộ nhằm giúp nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình canh tác. Người dân tự ủ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón; sử dụng các sản phẩm như sả, gừng, ớt,… làm thuốc bảo vệ thực vật góp phần giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống 20%.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu nhấn mạnh, huyện chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, sản xuất theo hướng hữu cơ được nông dân, HTX tích cực hưởng ứng. Huyện cũng đã triển khai rộng rãi đến khắp các xã, thị trấn phương pháp sử dụng men vi sinh trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong xử lý rác hữu cơ trong sinh hoạt.