(CTT-Đồng Nai) - Xanh hóa sản xuất là xu hướng hiện nay của các quốc gia nhằm tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Ứng dụng các giải pháp xanh hóa, sản xuất bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình cho doanh nghiệp (DN), nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Trồng rừng cũng là một trong những giải pháp mà nhiều DN đẩy mạnh thực hiện như là phương án bù để thân thiện hơn với môi trường
Trồng rừng cũng là một trong những giải pháp mà nhiều DN đẩy mạnh thực hiện như là phương án bù để thân thiện hơn với môi trường
Tại nhiều DN đang hoạt động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu phát thải ra môi trường đang là lộ trình được xây dựng và áp dụng.
Sản xuất xanh nhiều lợi ích
Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi ích đầu tiên các doanh nghiệp có thể nhận được khi phát triển sản xuất xanh đó là giảm thiểu chi phí như chi phí mua và vận chuyển các nguyên liệu đầu vào, chi phí lao động, chi phí sử dụng nước và năng lượng trong quá trình sản xuất, chi phí xử lý hoặc giải quyết hậu quả của chất thải và các tác động môi trường khác. Ngoài ra, sản xuất xanh góp phần tăng năng suất và hiệu quả lao động nhờ cải thiện điều kiện làm việc, môi trường và sức khỏe của người lao động.
Bên cạnh đó, một thực tế là xu hướng tiêu dùng hiện nay đã dần chuyển dịch sang những sản phẩm thân thiện với môi trường nên sản xuất xanh là một trong những yếu tố lợi thế giúp DN nâng cao thương hiệu, thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA,… Khi thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để Việt Nam tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu,…
Cùng với cả nước, tại Đồng Nai cũng đã có kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, tỉnh khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên, vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo; phát triển, phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp hưởng ứng
Không chỉ là chính sách ở tầm vĩ mô mà tại nhiều DN, sản xuất xanh cũng đang là xu hướng bắt buộc và phải lên kế hoạch thực hiện.
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP kết cấu thép GSB (KCN Thạnh Phú) thì với ngành nghề cơ khí chế tạo sẽ phát sinh nguồn nhiệt lớn và sử dụng nhiều điện năng. Để hạn chế các tác động tiêu cực, DN sử dụng hệ thống máy lạnh lớn trong nhà xưởng được làm mát từ nguồn năng lượng tự nhiên với việc sử dụng pin năng lượng mặt trời. Bên cạnh việc tiết giảm năng lượng, giảm phát thải ngay tại nhà máy của mình thì GSB còn hợp tác chiến lược với đối tác lớn đến từ Australia để có thể tạo ra những công trình, nhà xưởng tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Điều này phù hợp với xu hướng xây dựng của tương lai khi tất cả đều hướng tới phát triển bền vững.
Tương tự, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) được biết đến như là nhà sản xuất có nhiều hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó có việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi, áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh như một giải pháp giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo thu nhập, hướng đến ngành nông nghiệp bền vững, phát thải thấp.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ, công ty đã hỗ trợ hơn 21 ngàn hộ nông dân tại Tây Nguyên tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo hướng công nghệ giúp giảm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, giảm 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Từ hoạt động đó, giúp cải thiện thu nhập của người nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Một DN khác là Công ty TNHH Onsemiconductor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) cam kết đến năm 2040 sẽ đạt được chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 (net -zero). DN đang nghiên cứu và đầu tư vào các chương trình sử dụng năng lượng tái tạo và sạch, trong đó có dự án chuyển đổi sử dụng 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040.
Theo lãnh đạo Osemi Việt Nam, DN hướng tới không xả thải vào đất từ những sản phẩm trong quá trình sản xuất ở các nhà máy. Đối với chương trình giảm phát thải khí nhà kính, công ty áp dụng các công nghệ sản xuất hiệu quả cao, nghiên cứu loại bỏ khí flo hóa không cần thiết và sử dụng các loại khí thay thế, lắp đặt các thiết bị giảm thiểu điều tiết khí thải được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn...