(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai ít xảy ra thiên tai nhưng khi rủi ro xảy ra thiên tai vẫn lớn khi bước vào mùa mưa lũ.

Dự án hồ Suối Đầm, H.Trảng Bom đã đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm 2023
Dự án hồ Suối Đầm, H.Trảng Bom đã đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm 2023
Theo đó, nhiều địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thủy lợi, nhất là các dự án tiêu, thoát lũ với mục tiêu hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người dân khi vào cao điểm mùa mưa lũ.
Tăng tốc hoàn thành nhiều dự án
Dự án Sửa chữa, đào, nạo vét lòng hồ chứa nước suối Đầm do Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở NN-PTNT) tỉnh làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ đồng gồm các hạng mục: hồ chứa nước; tràn xả lũ; kênh dẫn thượng, hạ lưu tràn xả lũ; nạo vét kênh sau tràn theo tuyến hiện trạng và nạo vét đáy kênh sau cống điều tiết…
Mục tiêu của dự án trên nhằm tạo nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đồng thời duy trì, hỗ trợ ổn định mực nước ngầm hiện có cho các giếng khoan của người dân đang hoạt động phục vụ cho khoảng 100ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, dự án còn đảm bảo giảm đến mức thấp nhất diện tích đất bị ngập của người dân ở khu vực, đáp ứng mục tiêu nuôi trồng thủy sản, điều tiết lũ đảm bảo an toàn công trình và hạ lưu khu vực, điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường.
Ông Lê Đình Giáp, Phó Giám đốc Công ty CP Trung Hoa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), đơn vị thi công dự án Sửa chữa, đào, nạo vét lòng hồ chứa nước suối Đầm cho biết, đến nay, các nội dung thi công của dự án đã căn bản hoàn thành. Với một số hạng mục vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã vận động người dân tạo điều kiện cho đơn vị thi công trước để hoàn thành các hạng mục. Hiện dự án đã đưa vào vận hành, đảm bảo việc trữ nước cũng như tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão năm 2023.
Ông Vũ Quốc Việt Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi chia sẻ, thời gian qua, đơn vị được giao làm chủ đầu tư một số dự án thủy lợi, nhất là các dự án tiêu thoát lũ. Trong đó, dự án Tiêu thoát lũ xã Bình Lộc, TP.Long Khánh được khởi công xây dựng vào tháng 1 năm 2020; đến tháng 5 năm 2022, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay dự án đã phát huy hiệu quả là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của khoảng 100 hộ dân trong khu vực ấp 2 xã Bình Lộc trước đây thường xuyên xảy ra ngập lụt; đồng thời đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng như trường học, đình, chùa và đường giao thông trong khu vực.
Quan tâm tu sửa, gia cố
Chủ động phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ, nhiều địa phương rất chú trọng đến công tác nạo vét, gia cố hồ chứa cũng như các công trình thủy lợi.
Cụ thể, dự án Gia cố sạt lở bờ sông Đồng Nai đoạn ấp 8, xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú (giai đoạn 1) hiện đang trình hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình. Dự kiến, công trình sẽ khởi công xây dựng trong năm 2023. Mục tiêu của dự án là chỉnh trị lòng dẫn, ổn định bờ sông Đồng Nai đoạn qua khu vực xã Núi Tượng và xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú, đảm bảo an toàn cho tuyến đường 20, an toàn cho người tham gia giao thông, bảo vệ đất nông nghiệp và tài sản trên đất trong khu vực có nguy cơ sạt lở.
Theo ông Lê Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống thiên tai, thủy lợi và kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình, lưu ý các khu vực xung yếu, trọng điểm có nguy cơ xảy ra bể bờ, tràn bờ. Ngoài ra, địa phương cũng vận động dân hiến đất để xây dựng các công trình thủy lợi, tiêu thoát lũ theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Triển khai nạo vét, khai thông dòng chảy, đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, suối, kênh, rạch tránh làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Tiếp tục cắm mốc cảnh báo khu vực ngập lụt tại những khu vực xung yếu trên địa bàn các xã. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân các biện pháp chằng chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sụp đổ khi xảy ra giông, gió, lốc xoáy. Dự kiến trong năm 2023, UBND H.Cẩm Mỹ đầu tư xây dựng và duy tu, sửa chữa 6 công trình thủy lợi bằng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện là 6,5 tỷ đồng.