Bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm sau sắp xếp

Thứ hai - 03/06/2024 16:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Thanh Tùng cho biết, trên địa bàn tỉnh sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 dự kiến sẽ dôi dư 177 người, bao gồm: 131 cán bộ, công chức (CB-CC) và 46 người hoạt động không chuyên trách.
Khi xây dựng Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho CB-CC, viên chức (VC) phù hợp với vị trí việc làm.

Sẽ có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư
Tại thành phố Biên Hòa, sau khi sắp xếp dự kiến dôi dư 55 CB-CC và 15 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Thành phố Long Khánh dự kiến dôi dư 25 CB-CC và 7 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Huyện Tân Phú dự kiến dôi dư 24 CB-CC và 16 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Huyện Vĩnh Cửu dự kiến dôi dư 27 CB-CC và 8 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Phó giám đốc Sở Nội vụ cho hay, thực hiện Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định định mức hỗ trợ đối với CB-CC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố) dôi dư do sắp xếp. Trong đó, ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ, được hỗ trợ thêm một lần bằng 80% tổng kinh phí được hưởng theo chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP. Nội dung này dự kiến sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét tại Kỳ họp HĐND tỉnh thường kỳ giữa năm 2024.

Theo hướng dẫn, các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp diện tích tự nhiên và dân số tăng lên sẽ được tăng thêm số lượng CC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Nghị quyết số 40/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quyết định số lượng CB-CC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai năm 2024 đã cụ thể hóa quy định tại nghị định này.

Cụ thể, theo quy mô diện tích tự nhiên và quy mô dân số, thành phố Biên Hòa được giao tăng thêm 242 CB-CC cấp xã và 242 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Thành phố Long Khánh được giao tăng thêm 18 CB-CC cấp xã và 18 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Huyện Tân Phú được giao tăng thêm 20 CB-CC cấp xã và 20 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Huyện Vĩnh Cửu được giao tăng thêm 18 CB-CC cấp xã và 18 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Do đó, việc giải quyết số lượng dôi dư sau sắp xếp các địa phương sẽ được thực hiện quy trình tuyển dụng hàng năm trong số lượng CB-CC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được giao; hoặc giải quyết chế độ thôi việc theo quy định. Lộ trình bố trí, sắp xếp để giảm số lượng CB chuyên trách cấp xã bảo đảm đúng theo quy định là chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Đồng Nai có hiệu lực thi hành.

Đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả
Lãnh đạo các địa phương có ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp cho biết đã chủ động phương án sắp xếp bố trí CB dôi dư sau sắp xếp trên địa bàn, sẽ không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Theo Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Đỗ Chánh Quang, chiếu theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về CB-CC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, địa phương còn thiếu một số CB-CC. Địa phương dự kiến sẽ điều động những nhân sự dôi dư về phường, xã, đơn vị còn thiếu…

Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc giải quyết số lượng CB-CC dôi dư sau sắp xếp được xác định là yếu tố rất quan trọng, phải được quan tâm, thực hiện đảm bảo, chặt chẽ, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng CB-CC-VC theo chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời đáp ứng được xu thế phát triển của địa phương. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp, bố trí CB dôi dư.

Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng CB-CC-VC, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. Trường hợp đặc biệt thì báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tác giả: Trang Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây