Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Lặng lẽ nghề thu gom rác: Bài 1: Thu gom rác, công việc thầm lặng

(CTT-Đồng Nai) - Với hơn 3,2 triệu dân, Đồng Nai mỗi ngày phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Để dọn dẹp lượng rác khổng lồ này cho đường phố luôn sạch đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường…, đội ngũ công nhân vệ sinh vẫn ngày đêm âm thầm làm việc. Họ được ví như những con ong chăm chỉ, lặng lẽ làm đẹp cho đời bằng việc làm ý nghĩa.
Không gì dơ bẩn hơn rác thải, nhưng công nhân thu gom rác vẫn phải đối mặt hàng ngày với nhiều rủi ro, ô nhiễm, mầm bệnh
Không gì dơ bẩn hơn rác thải, nhưng công nhân thu gom rác vẫn phải đối mặt hàng ngày với nhiều rủi ro, ô nhiễm, mầm bệnh

* Nhiều thế hệ cùng làm nghề
Đa phần người làm công việc thu gom rác có hoàn cảnh rất khó khăn; thậm chí ở TP.Biên Hòa có một số gia đình có 3 thế hệ cùng làm nghề thu gom rác…

Phụ trách thu gom rác trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa), ông Lê Văn Nô (ngụ P.Trung Dũng) mỗi ngày phải đi 4 chuyến mới thu gom hết rác trên địa bàn được giao. Gần 30 năm làm nghề thu gom rác, sức khỏe của ông Nô đã giảm nhiều khi bước vào tuổi gần 70. Vậy mà, mỗi ngày cứ vào 14 giờ, thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày, ông Nô vẫn đẩy chiếc xe ba gác đầy rác đến điểm tập kết trên đường Nguyễn Ái Quốc.
Tâm sự về nghề thu gom rác, ông Nô cho hay: “Trước đây, cha tôi cũng làm công nhân thu gom rác, tôi theo phụ riết rồi quen. Cha mất, tôi nối nghiệp cha cho tới giờ đã 30 năm”.

Ông Nô kể, mỗi khi quăng bọc rác lên xe, ông lại mở bọc ra xem có tận dụng được gì để bán không, bất chấp mùi hôi thối tỏa ra nồng nặc. Mỗi tháng, ông chỉ lãnh được 4 triệu đồng tiền lương nên phải sống hết sức tằn tiện và tìm thêm rác có thể tái chế để bán, lo chữa bệnh cho vợ và chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Ông Nô và đội ngũ công nhân thu gom rác trên địa bàn TP.Biên Hòa ngày ngày lặng lẽ tỏa đi khắp nơi để thu gom những đống rác, bịch rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường và trong những con hẻm. Những ngày nắng nóng hay mưa dầm, rác phân hủy nhanh hơn, vì thế cũng nặng mùi hơn, nhưng họ không nề hà, vẫn lặng lẽ làm công việc của mình.

Còn gia đình chị Trần Phạm Thùy Dung (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cũng 3 thế hệ cùng làm nghề thu gom rác. 21 năm đảm đương công việc thu gom rác tại địa bàn KP.3 và KP.4 của P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), mỗi ngày chị Dung đều phải nhiều lần đẩy xe ba gác len lỏi vào các con hẻm để thu gom rác của gần 500 hộ dân. Khu vực thuộc địa bàn thu gom rác của chị Dung có nhiều hộ kinh doanh nên lượng rác thải ra cũng nhiều hơn so với những hộ bình thường. Để việc thu gom rác được nhanh gọn, sạch sẽ, chị phải thuê thêm một người phụ. Công việc được san sẻ nên thu nhập cũng phải chia sẻ bớt.

* Nghề lắm rủi ro
Rác là thứ chứa nhiều thành phần khác nhau, từ kim loại sắc nhọn đến thủy tinh, mảnh vỡ sành sứ… có thể gây sát thương, đến những loại vi trùng, vi khuẩn, mầm bệnh nguy hiểm mà người thu gom rác phải đối mặt trong khi làm nghề.

Hơn 10 năm làm nghề thu gom rác, anh Trần Quý Hòa, một công nhân vệ sinh thu gom rác trên địa bàn KP.2 và KP.3, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) chia sẻ, bị xây xước chân tay trong khi làm việc là chuyện thường ngày. Dù có đi giày bảo hộ và mang bao tay nhưng hôm nào rác quá nhiều, buộc phải dùng chân để nén rác chặt xuống cho trống chỗ, rủi ro đạp phải những vật nhọn, sắt hoen gỉ cũng đành chịu. Có hôm bốc rác lên xe, nắm phải bịch rác chứa những miểng thủy tinh như: kiếng vỡ, chai lọ, ly sành bị xước tay cũng là chuyện khó tránh.

Theo anh Hòa, mỗi năm nhân viên trong tổ thu gom rác của anh phải đi tiêm phòng bệnh phong đòn gánh vài lần vì không ít lần va chạm phải những vật dụng bằng kim loại hoen gỉ. Riêng anh Hòa, năm 2022 cũng phải đi tiêm ngừa phong đòn gánh đến 3 lần. Anh Hòa cho biết thêm, thực ra nếu thay giày và găng tay bảo hộ mới thường xuyên thì cũng tránh được phần nào nguy cơ, nhưng vì thu nhập thấp nên nhiều khi giày rách, găng tay thủng anh em vẫn cứ tận dụng.

Không chỉ là sứt tay, trầy chân mà nhiều người làm nghề thu gom rác phải đối mặt với nguy cơ bị các bệnh liên quan đến các chất độc hại sinh ra từ rác.
Dù làm công việc nặng nhọc, vất vả, độc hại, thu nhập thấp… nhưng hàng trăm người làm nghề thu gom rác trên địa bàn vẫn lặng lẽ mưu sinh, giữ cho môi trường, đường phố luôn sạch đẹp...
Lam Khuê

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang