(CTT-Đồng Nai) - Cúm và cảm lạnh là hai loại bệnh về đường hô hấp thường gặp với những triệu chứng tương đồng nhau nên dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị. Bệnh cúm do các chủng virus cúm gây ra, biến chứng nặng có thể gây tử vong cho cả những người khoẻ mạnh. Trong khi cảm cũng do virus nhưng chỉ tổn thương đường hô hấp trên, hiếm khi đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần. Để phòng ngừa bệnh cúm, những ngày qua người dân trong tỉnh đổ xô đi tiêm vaccine.
![](/TinTucHinhAnh/dongnai/85242ceb04302a48181f67da8fb0bfd1-2025-02-11.15-06-25.jpg)
Người dân đăng ký tiêm vaccine cúm tại CDC Đồng Nai
Người dân đăng ký tiêm vaccine cúm tại CDC Đồng Nai
Tiêm gần 300 mũi vaccine trong buổi sáng
Những ngày qua, số lượng người dân đến tiêm vaccine cúm nói riêng và các loại vaccine phòng bệnh nói chung tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa tăng đột biến.
Khi còn chưa đến giờ làm việc, nhiều người dân đã đến chờ sẵn tại CDC Đồng Nai để đăng ký tiêm vaccine. Khoảng từ 8h-9h30 là thời gian cao điểm, người dân đến tiêm rất đông. Có rất nhiều gia đình cả 4, 5 người cùng đi tiêm vaccine.
Theo thống kê sau 1 buổi sáng (số liệu ngày 09/2), có tổng cộng 386 người tiêm 448 mũi vaccine (có những người tiêm 2 mũi). Trong đó, riêng tiêm vaccine cúm là 275 mũi, tăng gấp 6 lần so với những ngày trước đó, khi chưa có thông tin về bệnh cúm.
Anh Hoàng Văn Ngân (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, gia đình anh có 5 người, gồm mẹ già 70 tuổi, vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ. Nghe thông tin bệnh cúm đang gia tăng nên tranh thủ ngày cuối tuần, anh đưa cả gia đình đi tiêm vaccine cúm. Giá mỗi liều vaccine cúm cộng cả công tiêm là 287 ngàn đồng.
“Từ sau dịch Covid-19 đến nay, năm nào gia đình tôi cũng đi tiêm vaccine cúm. Từ sau khi tiêm, dù có thi thoảng bị cúm nhưng tôi thấy nhẹ hơn trước, nhanh hết bệnh hơn” - anh Ngân nói.
Còn bà Huỳnh Trúc Mai, ngụ phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa thì nói, trước Tết Nguyên đán vừa qua, bà bị cúm “vật” cho gần 1 tháng. Bà Mai đi bệnh viện khám, bác sĩ chỉ định thuốc về nhà uống, bệnh không quá nặng nhưng khiến bà cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Do đó, sau kỳ nghỉ Tết, bà khẩn trương đi tiêm vaccine để tránh lặp lại trường hợp tương tự.
Để đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine của người dân, tại CDC Đồng Nai có 3 bàn tiêm. Các nhân viên y tế làm việc khẩn trương, chính xác, đảm bảo an toàn tiêm chủng và cũng không để người dân phải chờ đợi lâu. Sau tiêm vaccine, người dân được hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm chủng 30 phút tại cơ sở y tế, sau đó mới về. Về nhà, người dân lưu ý nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nếu có vấn đề gì bất thường cần liên hệ cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
![](/TinTucHinhAnh/dongnai/85242ceb04302a48181f67da8fb0bfd1-2025-02-11.15-06-18.jpg)
Influvac là 1 trong 2 loại vaccine phòng bệnh cúm đang được triển khai tiêm cho người dân tại các cơ sở tiêm chủng trong tỉnh.
Influvac là 1 trong 2 loại vaccine phòng bệnh cúm đang được triển khai tiêm cho người dân tại các cơ sở tiêm chủng trong tỉnh.
Gấp 5 - 6 lần số lượng người đến tiêm vaccine
Thông tin từ Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, những ngày gần đây, lượng khách hàng đến các trung tâm của VNVC trên cả nước tiêm vaccine cúm tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước đây. Đối tượng từ trẻ em đến người già.
Nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, tạo điều kiện cho các gia đình đưa trẻ nhỏ và người lớn kịp thời đến tiêm vaccine phòng cúm và các bệnh truyền nhiễm khác, từ ngày 7-2, VNVC mở cửa làm việc cả thứ 7, chủ nhật, tăng cường thời gian hoạt động từ 7h30 đến 18h tại 108 trung tâm VNVC trên toàn quốc, trong đó có VNVC Đồng Nai.
Hiện nay, VNVC có đầy đủ 2 loại vaccine cúm gồm: Influvac Tetra (Hà Lan) và vaccine Vaxigrip Tetra (Pháp), hiệu quả phòng bệnh đến 90%.
Để không phải chờ đợi lâu, các trung tâm VNVC khuyến cáo khách hàng nên đi tiêm vào buổi trưa hoặc đi tiêm vào những ngày trong tuần (tránh ngày cuối tuần). Tại Đồng Nai hiện có 11 trung tâm VNVC đặt tại Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Định Quán, Long Khánh, Trảng Bom, Xuân Lộc.
Các chuyên gia cho biết, sau khi tiêm vaccine, cơ thể thường mất khoảng 2 - 4 tuần để sản sinh ra lượng kháng thể cần thiết. Do đó, trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm vaccine sớm, tiêm đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo để tạo miễn dịch tốt nhất, hạn chế bỏ lỡ lịch tiêm hoặc để bùng dịch mới đi tiêm sẽ không kịp để vaccine phát huy khả năng bảo vệ tốt nhất.
Tại Đồng Nai, theo ghi nhận tại một số bệnh viện, chưa có trường hợp bệnh cúm nặng nào. Bệnh nhân bị cảm cúm chủ yếu bệnh nhẹ, khám và điều trị ngoại trú.
Vaccine phòng cúm mùa được tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Cụ thể, trẻ từ 6 tháng đến 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm được tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm. Trẻ từ trên 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
![](/TinTucHinhAnh/dongnai/85242ceb04302a48181f67da8fb0bfd1-2025-02-11.15-06-12.jpg)
Rất đông người dân đi tiêm vaccine cúm tại hệ thống tiêm chủng VNVC.
Rất đông người dân đi tiêm vaccine cúm tại hệ thống tiêm chủng VNVC.