Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được dư luận quan tâm

(CTT-Đồng Nai) - Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (viết tắt Dự thảo Luật CĐGT) có 7 chương, 33 điều được công bố trên Cổng thông tin Chính phủ thu hút sự quan tâm của xã hội.
Các đồng đẳng viên TP.Biên Hòa tham dự tuyên truyền về bình đẳng giới do Hội Luật gia tỉnh tổ chức.
Các đồng đẳng viên TP.Biên Hòa tham dự tuyên truyền về bình đẳng giới do Hội Luật gia tỉnh tổ chức.

* Quyền và nghĩa vụ của người CĐGT

Quyền CĐGT được Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và luật khác có liên quan.

Do Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người CĐGT, người đề nghị can thiệp y học để CĐGT; quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để CĐGT, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để CĐGT; công nhận giới tính nữ hoặc nam đối với người CĐGT; quản lý nhà nước về CĐGT nên việc CĐGT của người chuyển giới vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, Dự thảo Luật CĐGT ra đời nhằm tạo hành lang pháp lý cho những người mong muốn được y học can thiệp và pháp luật công nhận việc CĐGT của mình.

Tại Điều 7 Dự thảo Luật CĐGT quy định 17 nhóm quyền của người chuyển giới như: được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để CĐGT khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Dự thảo Luật CĐGT. Được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để CĐGT phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình. Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam. Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi CĐGT. Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan…

Về nghĩa vụ, được Điều 8 Dự thảo Luật CĐGT quy định, người CĐGT chấp hành tất cả các nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật phù hợp theo giới tính mới; Tích cực, chủ động học tập, lao động, hòa nhập gia đình, xã hội với giới tính mới.

* Góp ý cho Dự thảo Luật CĐGT

Khoản 7, Điều 5 Dự thảo Luật CĐGT quy định, nghiêm cấm công dân thực hiện CĐGT 2 lần trở lên trong đời. Trong khi đó, khoản 1, Điều 6 của Dự thảo Luật CĐGT quy định, công dân chỉ được CĐGT một lần trong đời.
 
Theo luật gia Nguyễn Văn Lộc (Hội Luật gia TP.Biên Hòa), 2 quy định này về bản chất và ngữ nghĩa được hiểu là pháp luật chỉ cho phép công dân chỉ được CĐGT 1 lần trong đời. Do 2 quy định này cùng quy định 1 vấn đề nhưng cách dùng thuật ngữ diễn đạt khác nhau nên dễ dẫn đến hiểu sai như: được CĐGT dưới 1 lần, hoặc trên 1 lần và dưới 2 lần trong đời. Do đó, bỏ quy định tại khoản 7, Điều 5 Dự thảo Luật CĐGT và giữ lại quy định tại khoản 1, Điều 6 của Dự thảo Luật CĐGT là ưu việt nhất.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 10 Dự thảo Luật CĐGT quy định, độ tuổi thực hiện can thiệp y học được quy định như sau: Người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật CĐGT, trừ trường hợp quy định tại Điểm b khoản này (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học quy định tại khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật CĐGT và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ).

Theo các chuyên gia pháp lý, việc Dự thảo Luật CĐGT chỉ cho phép 2 nhóm đối tượng được đề nghị can thiệp y học để CĐGT theo Điểm a, Điểm b, Khoản 1 là còn giới hạn quyền này đối với đối tượng là trẻ em (dưới 16 tuổi). Bởi đây là quyền của trẻ em đã được Điều 35 Luật Trẻ em năm 2016 quy định. Đồng thời, phù hợp với khoản 1, Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 và tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5-8-2008 về xác định lại giới tính. Do đó, các chuyên gia pháp lý góp ý cho Điều 10 của Dự thảo Luật CĐGT như sau: bổ sung thêm nhóm độ tuổi dưới 16 tuổi vào Khoản 1.

Khoản 1, Điều 22 Dự thảo Luật CĐGT quy định, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu CĐGT, người đề nghị can thiệp y học để CĐGT, người đã can thiệp y học để CĐGT nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người CĐGT.

Các chuyên gia pháp lý góp ý, Dự thảo Luật CĐGT quy định như vậy là chưa phù hợp, chưa công bằng, nhất là chưa tạo sự bình đẳng cho người CĐGT tự mình được quyền lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp lý thuận lợi. Bởi vì, ngoài đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhà nước, xã hội còn có các tổ chức hành nghề luật sư, Hội Luật gia với đội ngũ đông đảo, giỏi chuyên môn, khả năng, năng lực tư vấn cho các đối tượng trên.
Khoản 3 Điều 31 Dự thảo Luật CĐGT quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như sau: Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi giới tính, về bảo vệ quyền của người chuyển giới, người chuyển đổi giới tính; phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật về bản dạng giới, bảo vệ của người chuyển đổi giới tính.
Nhân Thái

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang