Những người Kinh làm già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư - 05/03/2025 09:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Theo ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, Đồng Nai có 50 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 200 ngàn người, chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh. Trong số này có 159 cá nhân được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Điểm đặc biệt là trong số này có người dân tộc Kinh được đồng bào tín nhiệm bầu là người đại diện của cộng đồng dân tộc mình.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Định Quán được tặng quà
Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Định Quán được tặng quà

Đồng bào chọn người đại diện cộng đồng

Cụ thể, huyện Định Quán có 2 người dân tộc Kinh nhưng được cộng đồng bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong đó, đây là lần thứ hai liên tiếp bà Ngô Thị Giúp được hơn 100 gia đình các dân tộc thiểu số Tày, Nùng ở ấp 4, xã Phú Hòa bầu chọn là người uy tín trong đồng bào DTTS của ấp. Cùng với vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS ấp, bà Giúp còn tham gia các tổ chức đoàn thể tại địa phương.

Còn với ông Nguyễn Thanh Dương, đây là năm thứ 8 ông đảm nhận vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS ấp 4, xã Thanh Sơn. Ông Dương cho hay, ấp có 124 gia đình thì đồng bào DTTS chiếm 62 hộ với các dân tộc Chơro, Khmer, Nùng, Dao, Tày, Hoa. Ngoài ra, thời gian qua ông Dương còn đảm nhận các vai trò, như: Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, Chi hội Nông dân ấp, Chi hội trưởng Người cao tuổi ấp…

Hiện mỗi tháng, ông Dương và bà Giúp đều nhận được trợ cấp của Nhà nước với mức 800 ngàn đồng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm; tham gia các hội nghị, chương trình tập huấn, chương trình trao đổi kinh nghiệm… Ông Nguyễn Thanh Dương cho hay, đây là sự động viên rất lớn để ông tiếp tục nỗ lực phục vụ cộng đồng. Đồng thời, sự quan tâm này của Nhà nước còn giúp nâng cao vai trò, uy tín của người có uy tín trong đồng bào DTTS tại khu dân cư.

Phát huy vai trò tiên phong

Ông Nguyễn Thanh Dương cho biết thêm, ấp có nhiều gia đình nuôi bò, dê với hình thức thả rông vào những bãi cỏ ven hồ Trị An, ở các khu rẫy hay bìa rừng cho ăn tự do. Trong quá trình này, nhiều người đi chăn bò đốt lửa vùi khoai, nướng cá để ăn và đôi lúc chủ quan không dập tắt bếp hoàn toàn, điều này vô tình gây nguy cơ cháy lan, nhất là vào mùa khô. Từ thực tế đó, ông Dương cùng Ban ấp nhắc nhở bà con không đốt lửa trong quá trình chăn thả gia súc để không ảnh hưởng đến rừng cây, tài sản của Nhà nước và người dân xung quanh.

Còn theo bà Ngô Thị Giúp, trước đây bà và một số hộ dân khác trong ấp nuôi ếch, nuôi dê theo hình thức mạnh ai nấy làm. Vì số lượng nhỏ lẻ và lúc nuôi lúc không nên trong quá trình thỏa thuận giá, thời gian thu hoạch vật nuôi thương phẩm và nguồn cung con giống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Từ thực tế này, những năm qua, bà cùng các hộ dân trong ấp mà phần lớn là đồng bào DTTS liên kết thành tổ hợp tác nuôi dê, nuôi ếch. Trong đó, chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên việc phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi được thực hiện bài bản và khoa học hơn thay vì dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm như trước đây. Ngoài ra, bà con phải có trách nhiệm với vật nuôi của mình, tham gia đầy đủ các buổi học kỹ thuật chăn nuôi, chủ động một phần vốn đối ứng.

Qua những lần tuyên truyền cũng như câu chuyện thực tế do bà cùng các thành viên đầu tiên của tổ hợp tác thực hiện mà ngày càng có nhiều gia đình đăng ký tham gia vào các tổ hợp tác. Bà Giúp cho hay, có ca dê đẻ khó mà người mới nuôi chưa biết xử lý ra sao thì họ tìm bà để nhờ giúp đỡ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm nuôi dê, kiến thức được tập huấn, bà tìm đến giúp dê đẻ con thuận lợi.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây