(CTT-Đồng Nai) - Tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng bảo hiểm dẫn đến hàng loạt những hệ lụy cho người lao động (NLĐ).

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (đóng tại P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) bị nợ BHXH từ năm 2019 đến nay
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (đóng tại P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) bị nợ BHXH từ năm 2019 đến nay
* NLĐ thiệt thòi
Đã có rất nhiều trường hợp, NLĐ không được chốt sổ BHXH, không được hưởng các chế độ, chính sách BHXH do doanh nghiệp nợ đọng BHXH.
BHXH là quyền lợi của NLĐ, nếu DN không đóng BHXH cho NLĐ thì một loạt vấn đề của NLĐ không được giải quyết. Cụ thể, đi khám bệnh thì không có thẻ bảo hiểm y tế, nghỉ việc không đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp được, khi làm việc trong nhà máy lỡ xảy ra tai nạn lao động hoặc ốm đau, thai sản không được thanh toán các chế độ. Ngay cả đến tuổi nghỉ hưu nhưng DN không đóng BHXH thì NLĐ cũng không được hưởng lương hưu. Cho nên, việc DN không đóng BHXH gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, rất nhiều NLĐ bị mất việc phải chịu thiệt đơn thiệt kép do tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH, dẫn đến NLĐ không được nhận trợ cấp BH thất nghiệp. Theo quy định, BH thất nghiệp của NLĐ trong trường hợp DN nợ đọng BHXH mà NLĐ sau khi nghỉ việc ở công ty chưa đi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau này vào làm việc ở công ty mới thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đó sẽ được cộng dồn vào thời gian làm việc ở công ty mới. Khi NLĐ nghỉ việc ở công ty mới thì được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cả thời gian đóng ở công ty cũ cộng dồn với công ty mới, quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ không bị mất đi.
Tuy nhiên, theo LS. Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (thuộc LĐLĐ tỉnh) chế độ BH thất nghiệp là để hỗ trợ NLĐ khi bị mất việc mà chưa kiếm được việc làm mới nên trong nhiều vụ kiện chủ DN là để bảo đảm NLĐ phải được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, vì tại thời điểm NLĐ bị mất việc bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp NLĐ vượt qua khó khăn.
Theo LS. Hà, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, thời gian qua trung tâm đã tư vấn và hỗ trợ cho rất nhiều NLĐ đòi lại quyền lợi của mình. Đối với những DN nợ BHXH số tiền lớn, nợ trong thời gian dài và với những DN “không còn gì để mất”… thì trung tâm hỗ trợ NLĐ khởi kiện để bảo đảm việc NLĐ có bản án, để trên cơ sở đó có thể được giải quyết khi thanh lý tài sản của DN. Thực tế, cũng đã có nhiều trường hợp NLĐ được thanh toán các khoản theo bản án đã tuyên sau khi tài sản của DN được thanh lý. Tuy nhiên, vẫn có những vụ không đạt được kết quả vì DN không còn tài sản để thanh lý.
*Cần một giải pháp toàn diện
Mới đây, BHXH tỉnh Đồng Nai đã công bố danh sách 525 DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 273 tỷ đồng. Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, đây là số DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT tính đến hết tháng 11/2023. Tình trạng này khiến cho nhiều NLĐ gặp khó khăn trong cuộc sống sau khi mất việc hoặc thất nghiệp mà không được hỗ trợ bởi các chính sách ưu tiên từ BHXH. Do đó, cần phải có giải pháp thực tế và mạnh tay với tình trạng DN nợ đọng BHXH.
Theo nhận định từ thực tế cho thấy, hiện các chính sách về BHXH, đặc biệt là chế tài liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, có 3 cơ chế để xử lý vấn đề trốn đóng, nợ đọng BHXH. Cơ chế thứ nhất là xử phạt hành chính đối với hành vi nợ đọng BHXH là 75 triệu đồng (với cá nhân) và 150 triệu (đối với tổ chức) thì đã… “lờn thuốc”; cơ chế thứ hai là xử lý hình sự thì tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội trốn đóng BHXH, nhưng thực tế là các DN ở đây không trốn đóng mà là nợ đọng BHXH. Vì thế, dù pháp luật hình sự đã quy định nhưng không một chủ DN nào bị khởi tố hình sự về tội trốn đóng BHXH. Thứ ba là cơ chế khởi kiện, việc khởi kiện tập thể thì không thực hiện được, mà khởi kiện cho từng NLĐ đối với tập thể hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân thì rất khó khăn và mệt mỏi.
Do đó, theo LS. Hà đối với những DN không còn khả năng chi trả thì LĐLĐ tỉnh cũng đã kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TBXH và BHXH Việt Nam có thể khoanh và chốt khoản nợ này. Trước mắt là giải quyết phần DN đã nộp BHXH, nộp đến đâu chốt đến đó để trên cơ sở đó giải quyết quyền lợi cho NLĐ theo nguyên tắc “đóng đến thời điểm nào thì hưởng thời gian đó”. Sau này, nếu DN có điều kiện đóng BHXH tiếp sẽ tính toán lại các chế độ để giải quyết cho NLĐ. Riêng đối với những DN cố tình chây ì không đóng BHXH thì chúng tôi hỗ trợ NLĐ khởi kiện để buộc DN phải thanh toán các khoản theo quy định để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Còn về lâu dài, LS. Hà cho rằng, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, hàng loạt cơ chế để giải quyết các bất cập của chính sách BHXH đã được bổ sung như: sẽ tăng mức xử phạt đối với những DN nợ đọng BHXH, nghĩa là ngoài mức xử phạt hành chính thì DN phải đóng thêm phần tiền lãi của tổng số tiền nợ đọng BHXH và tiền lãi này được tính theo ngày như mức lãi của thuế, tức là bằng 0,03%/ngày. Do đó, nếu DN càng chây ì thì tiền lãi càng tăng. Cũng trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng sẽ làm rõ khái niệm trốn đóng BHXH, trong đó bổ sung nợ đọng BHXH cũng là hành vi trốn đóng BHXH cho phù hợp pháp luật hình sự, trên cơ sở đó mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ DN trốn đóng/nợ đọng BHXH.
Hy vọng, với những sửa đổi Luật BHXH thời gian tới, sẽ có những chế tài đủ mạnh đối với những DN chây vì, nợ đọng BHXH để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của NLĐ.