Cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần

Thứ ba - 19/09/2023 13:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT - Đồng Nai) - Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), có gần 40 ngàn người Việt tự tử mỗi năm.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử có nguyên nhân liên quan đến sức khỏe tâm thần của nạn nhân. Vì vậy, cần có các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu nhằm ngăn chặn các nguy cơ của hành vi tự tử.


Một bệnh nhân tự tử được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu sống mới đây
Một bệnh nhân tự tử được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cứu sống mới đây

Những vụ việc đau lòng
 Cách đây hơn 1 năm, các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai​ cũng đã kịp thời cứu sống một nam bệnh nhân 25 tuổi có ý định nhảy lầu tự tử.
BS CKI. Huỳnh Phúc Hưng, Trưởng Khoa Nội soi cho biết, bệnh nhân quê ở tỉnh Bình Định, làm công nhân và sinh sống tại TP.Biên Hòa. Bệnh nhân có tiền sử bệnh viêm gan B, trầm cảm. Khi đang điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng tại bệnh viện, bệnh nhân có cãi nhau với vợ rồi bước ra khỏi lan can lầu 10 để nhảy xuống.
Rất may thời điểm đó có 2 điều dưỡng phát hiện được nên đã nắm lấy tay bệnh nhân, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của những người xung quanh. BS Hưng cùng 2 điều dưỡng sau đó đã kéo được bệnh nhân vào bên trong, ngăn được ý định nhảy lầu tự tử của bệnh nhân.

Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Theo BS CKII.Nguyễn Xuân Hoàng, ý định tự tử thường gặp ở những người mắc các chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, người mắc các bệnh mạn tính dai dẳng, ung thư, người có sử dụng các chất ma túy, bia rượu quá mức.
Ngoài ra, những người đang gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, cuộc sống, trong học tập, tình yêu và tình cảm gia đình cũng là những đối tượng có nguy cơ có ý định tự tử. 

Quan tâm, chia sẻ, tạo hy vọng
Ngày Thế giới Phòng, chống tự tử năm nay có chủ đề Tạo hy vọng thông qua hành động. Qua đó, nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại của hành vi tự tử, thúc đẩy các quốc gia hành động để ngăn chặn việc thực hiện hành vi này.


Infographic Cách vượt qua ý định tự sát
Infographic Cách vượt qua ý định tự sát

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khi nghi ngờ một ai đó có ý định tự tử, những người thân trong gia đình, bạn bè và những người xung quanh, người có liên quan cần tiếp cận đối tượng, trao đổi để tìm hiểu về những khó khăn, bế tắc mà họ đang gặp phải.
Hãy điềm tĩnh, chấp nhận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói. Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.
Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan như tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích. Thường xuyên liên lạc và cung cấp cho họ những địa chỉ tư vấn tâm lý tin cậy để khi gặp khó khăn họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Cần loại bỏ những phương tiện mà đối tượng có khả năng dùng để tự tử, không cho họ đến gần những địa điểm nguy hiểm như nhà cao tầng, cầu, sông, hồ.
Với học sinh và trẻ vị thành niên, khi gặp áp lực thì phụ huynh cần kiên nhẫn lắng nghe, quan tâm; thầy cô cần gần gũi bảo ban nhẹ nhàng để giúp các em vơi bớt ý nghĩ tiêu cực nhất thời.

PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) lưu ý, tình trạng tự tử ở thanh, thiếu niên từ 15 - 24 tuổi đã tăng hơn 40% trong 10 năm qua. Tại Việt Nam, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng, trên thực tế con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Do đó, để ngăn ngừa ý định tự tử của trẻ vị, thành niên, cha mẹ, nhà trường cần dạy cho con trẻ kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý, phòng ngừa xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích... Vì hiện nay, hầu hết học sinh bị thiếu kỹ năng, nên khi tiếp cận với các yếu tố nguy cơ trên mạng xã hội sẽ không có kỹ năng để chọn lọc. Bên cạnh đó, cũng cần giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học. Từ đó chia sẻ, đồng hành cùng con, tránh tạo ra những căng thẳng giữa cha mẹ và con cái.
Các chuyên gia cũng đề xuất, cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo. Tiếp đến là các môn giáo dục pháp luật, quyền con người, cải tổ chương trình giáo dục từ cấp học tiểu học trở lên.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây