(CTT-Đồng Nai) - 60 năm trước, ngày 27-9-1964, tại Ngã 3 Giồng Sắn, ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch đế quốc và tay sai đã vô cớ gây ra vụ thảm sát đẫm máu, cướp đi sinh mạng của 536 thường dân vô tội.

Ông Phạm Đình Khương (thứ ba từ phải qua) giới thiệu về bia tưởng niệm tại Di tích Quốc gia Vụ thảm sát Giồng Sắn.
Ông Phạm Đình Khương (thứ ba từ phải qua) giới thiệu về bia tưởng niệm tại Di tích Quốc gia Vụ thảm sát Giồng Sắn.
Khi nhắc nhớ về sự kiện này dù đã 6 thập kỷ trôi qua nhưng những người được nghe kể lại hoặc thông qua các tài liệu lịch sử đều vẫn ám ảnh bởi nỗi đau kinh hoàng mà bọn đế quốc và tay sai đã gây ra cho Nhân dân ta. Song cũng từ nơi kinh hoàng của vụ thảm sát, sức sống mới đang ngày càng mạnh mẽ, minh chứng cho sự quyết tâm vượt khó, đoàn kết vươn lên trong tình hình mới.
*Đẫm máu từ buổi chiều “định mệnh”
Dù chưa hiểu tường tận về vụ thảm sát, nhưng qua lời kể lại của các bậc cha, chú ông Phạm Đình Khương, 71 tuổi, ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch tiếp chúng tôi vẫn dưng dưng cảm xúc. Ông kể rằng, lúc đó ông chỉ tầm 11 tuổi nhưng sau này khi lớn lên mỗi lần nhắc nhớ về vụ thảm sát thì không chỉ ông, con, cháu của ông và nhiều người dân ấp Bến Đình nói riêng, các xã lân cận vẫn mãi không thể quên tội ác dã man mà đế quốc, tay sai đã gây ra cho Nhân dân ta.
“Vụ thảm sát đã cướp đi của chúng tôi không chỉ những người thân yêu mà còn cả một tuổi thơ êm đềm. Chúng tôi lớn lên trong nỗi đau mất mát, trong sự căm phẫn đối với kẻ thù... Đây là một minh chứng hùng hồn cho tội ác chiến tranh của đế quốc và tay sai gây ra cho đất nước ta, trực tiếp là người dân quê hương tôi”, ông Khương nhấn mạnh.

Ông Phạm Đình Khương (thứ hai từ trái qua) kể lại sự kiện thảm sát cách đây 60 năm với thế hệ trẻ
Ông Phạm Đình Khương (thứ hai từ trái qua) kể lại sự kiện thảm sát cách đây 60 năm với thế hệ trẻ
*Vươn lên từ hoang tàn đổ nát
Dẫn chúng tôi ra khu Nhà bia tưởng niệm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đông Hứa Bửu Hổ cho hay, thế hệ ông và những cán bộ trẻ sau này cũng chỉ nghe các bậc cao niên kể lại. Song những gì mà bọn đế quốc, tay sai gây ra cho người dân Phú Đông nói riêng, Nhơn Trạch nói chung thật khó nói hết bằng lời.
“Cũng từ đổ nát hoang tàn của chiến tranh, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Phú Đông đang nỗ lực, chung tay để xây dựng Phú Đông trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Nhiều công trình giao thông, trường học, khu công nghiệp…được hình thành ngay trên mảnh đất bị bom đạn cày nát xưa kia”, ông Hổ nhấn mạnh.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Đông Hứa Bửu Hổ, toàn xã có hơn 16,4 ngàn dân sinh sống ở 5 ấp gồm: Bến Đình, Thị Cầu, Bến Ngự, Giồng Ông Đông, Phú Tân. Trong đó, còn 56 hộ nghèo A theo chuẩn của tỉnh đang nỗ lực xóa vào cuối nhiệm kỳ. Phú Đông quan tâm làm tốt công tác người có công với cách mạng; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững, tạo khung cảnh yên bình cho vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá năm xưa.
Tưởng nhớ những người đã mất trong chiến tranh, năm 2004, huyện Nhơn Trạch đã khởi công xây dựng công trình Bia - Công viên tưởng niệm Giồng Sắn trên diện tích 15 ngàn m2. Đây là di tích ghi dấu, tố cáo tội ác của kẻ thù trong cuộc thảm sát thường dân vô tội diễn ra trên vùng đất Phú Đông, Nhơn Trạch cách đây 60 năm. Địa điểm Giồng Sắn đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004 và di tích cấp Quốc gia đúng dịp kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát Giồng Sắn 2014.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho rằng, mỗi khi nhắc nhớ sự kiện thảm sát hãi hùng ngày ấy, nhiều người dân Phú Đông nói riêng, Nhơn Trạch nói chung khó cầm được nước mắt.
“Chúng ta không được phép lãng quên vụ thảm sát ngã ba Giồng Sắn, phải luôn nhắc nhở thế hệ trẻ và những người đang sống hiểu rõ nỗi đau ấy. Đồng thời, phải có trách nhiệm gìn giữ thành quả của cách mạng, phát huy tinh thần bất khuất của dân tộc… để từ đó đoàn kết, nỗ lực, vượt khó vươn lên xây dựng Phú Đông và Nhơn Trạch giàu đẹp, văn minh, đạt mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện 2020-2025 đề ra”, ông Lương Hữu Ích khẳng định.