Ngày 1-4, tại ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang (TX. Long Khánh), đồng bào dân tộc Chơ Ro đã tổ chức lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương, du khách và sinh viên đến từ TP. Hồ Chí Minh.
Sayangva là lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Chơ Ro. Lễ hội thường được tổ chức từ khoảng tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang đến một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no, lễ hội Sayangva là dịp để dân làng tề tựu, cúng tế, cùng chia sẻ niềm vui được mùa. Bên cạnh không khí tưng bừng, phấn khởi, lễ hội Sayangva góp phần “đánh thức” tình yêu văn hóa các dân tộc trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau.
Vui hội Sayangva
Từ sáng sớm, đồng bào Chơ Ro ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị các lễ vật cho buổi lễ và hòa mình vào không gian của lễ hội. Già làng Điểu Mực cho biết, đây là năm thứ 6 ấp Lác Chiếu tổ chức lễ hội Sayangva. Tất cả bà con trong ấp đều háo hức tham gia.
“Trước đây, lễ hội Sayangva của người Chơ Ro chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó cả tuần lễ, bà con tập trung các gia đình tại Nhà văn hóa ấp để thông báo thời gian tổ chức và phân công công việc cho các thành viên. Trong lễ hội có lúa mới, bánh giày, cơm lam, rượu cần… Đó là lòng thành của đồng bào Chơ Ro tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, già làng Điểu Mực nói.
Sinh viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh giao lưu cồng chiêng với đồng bào Chơ Ro ấp Lác Chiếu.
Nếu phần lễ là những nghi lễ tôn nghiêm, thành kính, thì phần hội trong lễ hội Sayangva thực sự sôi nổi và cuốn hút với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gập, đập niêu... liên tục diễn ra khiến cho không khí lễ hội trở nên náo nhiệt. Và bao giờ cũng vậy, người chiến thắng trong các trò chơi thường mời những “đối thủ” của mình uống rượu, và rồi họ cùng nhau say cho đến khi tan hội.
Sau những giờ vui chơi thỏa thích, những hũ rượu cần được bày ra thơm nức, bên cạnh món thịt nướng, cơm lam… mọi người cùng nhau ăn uống no nê. Sau đó, đội cồng chiêng bắt đầu “tấu nhạc”, không ai bảo ai, bất kể đàn ông, đàn bà và cả trẻ em cũng lập tức quây thành vòng tròn để động viên, tán thưởng. Những chàng trai, cô gái Chơ Ro trong trang phục dân tộc lắc lư thân mình theo âm nhạc. Cứ thế, hòa trong tiếng cồng, tiếng chiêng vang ngân, men rượu cần nồng nàn níu kéo, mời gọi không dứt...
Vừa múa theo tiếng cồng chiêng, bà Thị Nhạn (ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang) vừa xúc động: “Bà con chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi ngày hội được tổ chức tại địa phương của mình. Ngoài việc chuẩn bị đồ lễ, chúng tôi còn tham gia các chương trình thể thao dân tộc, được thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Tôi thấy rất tự hào được mang trên mình trang phục dân tộc, trình diễn cồng chiêng, cùng bà con ôn lại truyền thống lịch sử cha ông. Tôi hy vọng sau lễ hội, mọi người sẽ có thêm nhiều sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn”.
Trưởng phòng Dân tộc TX. Long Khánh Đặng Thanh Hiếu cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành, lễ hội Sayangva ở TX. Long Khánh không ngừng được cải thiện, nâng tầm cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút đông đảo bà con, học sinh, sinh viên tham gia. Lễ hội Sayangva như một “sợi dây” liên kết thắt chặt tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc đang sống trên vùng đất Long Khánh. Đây cũng là dịp để các dân tộc được giao lưu văn hóa, khích lệ bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Đưa văn hóa dân tộc đến gần với công chúng
Năm nay, lễ hội Sayangva của đồng bào Chơ Ro còn có sự tham gia của đông đảo du khách, đồng bào Khơ Me, sinh viên đến từ Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Trong trang phục dân tộc Chơ Ro, sinh viên Triệu Trúc Quỳnh phấn khởi chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên em được tham gia lễ hội của đồng bào Chơ Ro. Em thấy rất ấn tượng bởi sự quy mô và không khí lễ đông vui. Người dân tộc nơi đây rất thân thiện, gẫn gũi. Không chỉ em mà các bạn cùng có mặt trong lễ hội cũng được bà con dạy cách đánh cồng chiêng, cách nướng cơm lam, giới thiệu các phong tục tập quán đặc sắc… Những trải nghiệm như vậy giúp em biết thêm nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, từ đó có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị. Em mong rằng những lễ hội của các năm tới sẽ được tổ chức tốt hơn nữa để sinh viên, cũng như du khách đến học tập, tham quan nhiều hơn”.
Thầy Nguyễn Thanh Hải (giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là năm thứ 2 thầy dẫn sinh viên tham gia lễ hội Sayangva của người Chơ Ro ở TX. Long Khánh. “Đi thực tế lễ hội các dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động thiết thực giúp sinh viên của chúng tôi có thêm những trải nghiệm, tiếp cận với với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất của đồng bào Chơ Ro nói riêng và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung. Từ thực tế đó gắn kết giữa lý thuyết với bảo tồn cũng như khai thác các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trong phát triển du lịch”, thầy Hải nói.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống người dân tộc ở vùng sâu được cải thiện, vì thế nhu cầu hưởng thụ văn hóa vật chất, tinh thần của họ ngày càng cao hơn. Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơ Ro hôm nay không còn tập tục “đâm trâu”, không diễn ra linh đình trong nhiều ngày như trước mà bà con đã ý thức được việc tiết kiệm và rút ngắn lại chỉ một ngày, thậm chí chỉ một buổi. Tuy nhiên, lễ hội được tổ chức với đầy đủ các nghi thức cũng như các hoạt động vui chơi giải trí nhẹ nhàng, gần gũi... Để sau đó, bà con lại trở về với công việc đồng áng của mình, cùng một niềm tin về những mùa vàng bội thu, về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình và buôn làng của mình.
Có thể nói, với việc đưa những nét đẹp từ trong lễ hội của đồng bào các dân tộc đến với công chúng, nhất là với học sinh, sinh viên, tin rằng, các giá trị văn hóa ấy sẽ tiếp tục được trao truyền, tiếp nối, làm thành dòng chảy văn hóa đầy tự hào từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần vun đắp đời sống văn hóa đi lên.
Ly Na
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập