Đổi thay ở làng dân tộc Chơ Ro Suối Sóc

Chủ nhật - 18/03/2018 23:00
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Làng dân tộc chơ Ro Suối Sóc (thuộc ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) hôm nay đã có nhiều đổi thay rõ nét. Trên những khu đất hoang hóa thuở nào nay đã mọc lên những vườn cây xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao; những ngôi nhà sàn mái tranh vách nứa dần được thay bằng những ngôi nhà tường gạch, mái tôn kiên cố; những con đường nắng bụi mưa lầy được nâng cấp sửa chữa khang trang, rộng thoáng… Trong từng bước đi lên của làng dân tộc Chơ Ro Suối Sóc đã thể hiện được sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.

Những điển hình làm kinh tế giỏi

Con đường từ trung tâm xã Xuân Mỹ vào làng dân tộc Chơ Ro Suối Sóc đã được trải nhựa sạch sẽ, rộng thoáng, giúp bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận lợi. Hai bên đường, nhà cửa được xây dựng kiên cố, nằm san sát nhau. Điện sinh hoạt đã được kéo về từ đầu làng đến cuối làng để  bà con sử dụng… Cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, dân tộc xã Đặng Văn Diệu phấn khởi chia sẻ: “Những năm qua, công ăn việc làm của người dân tại làng dân tộc Suối Sóc ổn định nên đời sống cũng được nâng lên rất nhiều so với trước. Đặc biệt, một số hộ đã trở nên khá giả nhờ làm kinh tế giỏi, được lãnh đạo các cấp biểu dương”.

Chúng tôi đến thăm hộ chị Đào Thị Dung (38 tuổi), một trong những gia đình tiêu biểu của xã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu và tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo tại địa phương. Chị Dung kể, chị sinh ra và lớn lên tại vùng đất Suối Sóc này. Gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, chị được người chị ruột nuôi dưỡng trong căn chòi tranh, vách vá. Hằng ngày, Dung phải đi lượm ve chai, mót hạt điều, cà phê… để bán kiếm tiền phụ chi gái trang trải cuộc sống. Khi lớn lên, lập gia đình, vợ chồng chị Dung bàn chuyện làm ăn với quyết tâm vươn lên thoát cảnh nghèo khổ. Từ 2 triệu đồng của mẹ chồng cho, vợ chồng chị mua một máy cưa loại nhỏ để làm nghề mua bán củi. Hằng ngày, anh chị đến các vườn mua cây củi điều, cao su… rồi đi bán cho các xưởng gỗ tạp, lò đốt than, lò sấy điều, lò gạch, cơ sở sản xuất bao bì… Làm ăn uy tín, mua bán với giá phải chăng nên khách hàng “hợp tác” làm ăn với vợ chồng chị ngày càng nhiều. Từ đó, vợ chồng chị tiếp tục đầu tư mua thêm máy cưa, xe vận chuyển củi loại lớn và thuê lao động để mở rộng mô hình làm ăn.


Cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, dân tộc xã Đặng Văn Diệu và ông Đào Văn Tý (người uy tín của xã) đến thăm gia đình chị Dung.

Nhờ làm ăn gặp thuận lợi, gia đình chị Dung ngày càng trở nên khá giả. Chị có điều kiện xây nhà cửa khang trang, sắm xe ô tô 7 chỗ làm phương tiện đi lại cho cả gia đình, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Đồng thời, chị mua rẫy đầu tư làm ăn để tăng thêm thu nhập. Hiện chị sở hữu hơn 2 mẫu rẫy trồng các loại cây: điều, cao su, cà phê. Điều hiện đang được mùa, được giá (khoảng 40.000 đồng/kg). Dự định mùa điều năm nay gia đình chị thu hoạch sản lượng hơn 2 tấn, mang về gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn thu nhập từ mua bán củi và một số cây trồng khác. “Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lời từ 100 - 200 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí”, chị Dung bộc bạch.

Ông Mai Văn Đội (61 tuổi) cũng là tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu tại làng dân tộc Chơ Ro Suối Sóc. Nhiều năm qua, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Đội cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nghèo nên tuổi thơ ông sớm làm lụng, bươn chải để phụ giúp gia đình. Sau giải phóng, gia đình ông khai hoang khu rẫy rộng hơn 2 mẫu để trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: lúa, đậu… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cuộc sống lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, cảnh thiếu trước hụt sau vẫn tiếp diễn. Đến năm 1985, thấy người ta trồng điều, cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định nên ông cũng làm theo. Nhờ chọn hướng đi đúng, 2 cây chủ lực điều và cà phê đã giúp gia đình ông phát triển kinh tế. Sau này ông còn đầu tư trồng cây tiêu để tăng thu nhập và tiếp tục mua thêm đất để mở rộng mô hình làm ăn. Đến nay, gia đình ông đã làm chủ các khu vườn, rẫy với tổng diện tích gần 3 mẫu trồng điều, cà phê, tiêu. Ngoài ra, gia đình còn ký hợp đồng đất lô cao su để trồng nghệ tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.

Sự quan tâm của địa phương

Ông Đào Văn Tý (61 tuổi, người có uy tín của xã Xuân Mỹ) cho hay, làng dân tộc Chơ Ro Suối Sóc đã hình thành từ rất lâu đời. Thời chiến tranh loạn lạc, nhiều hộ đã di cư khắp nơi sinh sống, sau giải phóng họ quay về đây và tiếp tục khai hoang nương, rẫy trồng trọt để sinh sống. Khoảng năm 1978 - 1979, lúa trồng bị chết cháy, dẫn đến thất mùa, bà con phải đi đào củ chụp, củ nần, mì… để nấu ăn tạm qua ngày. Năm 1980, bà con đồng bào đã khắc phục được nạn đói nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Đến năm 1985, ông Mười (hiện là già làng) bắt đầu trồng cà phê, điều thay cho cây lúa và đem lại hiệu quả cao. Thấy vậy, bà con cũng học hỏi làm theo. Từ đó, cuộc sống của bà con bắt đầu nâng lên, đặc biệt một số hộ đã cần cù chịu khó vươn lên làm giàu.


Ông Mai Văn Đội (bên phải) tại khu rẫy của gia đình.

Vài năm gần đây, con em của đồng bào dân tộc Chơ ro Suối Sóc không còn thất nghiệp và đã đi làm ổn định ở các công ty, xí nghiệp ở TX. Long Khánh, huyện Trảng Bom… “Hồi trước, khu này không có nhà xây mà toàn nhà sàn tranh, vách nứa; đường đất thường xảy ra tình trạng mưa lầy, nắng bụi, đi lại rất khó khăn... Sau này, được Đảng, Nhà nước quan tâm làm đường, kéo nước sạch, điện chiếu sáng, xây nhà tình thương cho những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở… nhằm giúp bà con an cư lạc nghiệp. Nhờ vậy, bộ mặt của làng đã có nhiều đổi thay như ngày hôm nay. Bà con chúng tôi mừng lắm!”, ông Tý nói.

Ông Đặng Văn Diệu cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có 103 hộ với 377 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số Chơ Ro. Số người trong độ tuổi lao động là 178 người, trong đó đa số có việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp, công nhân Nông trường Cẩm Mỹ. Đa số bà con đồng bào là dân bản xứ sống tập trung ở đường 8 (ấp Suối Sóc). “Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nên thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên xây dựng các chương trình hành động về công tác dân tộc và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Đến nay, đồng bào dân tộc trên địa bàn không còn ở nhà tạm nữa, những hộ khó khăn về nhà ở đều được địa phương quan tâm xây tặng nhà tình thương. Ngoài ra, địa phương còn đầu tư làm đường (nhựa hóa), kéo điện sinh hoạt, nước sạch đạt 100% để bà con sử dụng…”, ông Diệu nói.

Lập “Tổ đoàn kết” tương trợ lẫn nhau

Ông Đào Văn Tý (người uy tín của xã) cho biết, điểm mới của làng dân tộc Chơ Ro Suối Sóc là từ năm 2017, bà con thống nhất lập nên “Tổ đoàn kết” để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn, ốm đau, gia đình có tang gia. Qua đó, mỗi hộ đóng góp 120.000 đồng/năm. Hiện số tiền trong quỹ tổ là 10 triệu đồng. “Chúng tôi sử dụng tiền trong quỹ một cách minh bạch, rõ ràng. Ví dụ: đối với trường hợp ốm đau phải đưa đi bệnh viện thì chúng tôi trích ra 200.000 đồng để đi thăm; trường hợp gia đình có người mất thì trích 500.000 đồng đến thăm…”, ông Tý cho biết thêm.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây