Gương sáng pháp luật trong công tác Tư pháp ở huyện Long Thành

Thứ sáu - 29/11/2024 11:06
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Ông Nguyễn Ngọc Giang San (chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Long Thành) công tác trong ngành tư pháp được 22 năm và luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông đã có nhiều sáng kiến, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác tư pháp nói chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói riêng.

Ông San được Phòng Tư pháp huyện Long thành đề cử giới thiệu cá nhân điển hình, tiêu biểu cho Chương trình Gương sáng pháp luật tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Ông Nguyễn Ngọc Giang San (thứ 2 từ phải qua) được tuyên dương tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2022 và khen thưởng 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ông Nguyễn Ngọc Giang San (thứ 2 từ phải qua) được tuyên dương tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2022 và khen thưởng 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhiều sáng kiến hiệu quả
Ông San cho biết, thực trạng trước đây cho thấy, các vụ bạo lực học đường thường xảy ra. Mỗi khi tan học, một số thanh thiếu niên tụ tập trước cổng trường để đánh hội đồng học sinh khác mà giữa hai bên đã có mâu thuẫn trước đó. Một số trường hợp còn quay clip hành hung để tung lên mạng xã hội. Tình hình học sinh, sinh viên chạy xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… vẫn hay xảy ra và gây nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tình trạng mua bán, sử dụng ma túy hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên cũng đáng báo động, trong khi nhiều em chưa nhận thức được mức nguy hại của ma túy...

Từ thực tiễn trên, ông San nghĩ ra sáng kiến Giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên qua hình thức phiên tòa giả định vào năm 2018 với 3 chuyên đề: Bạo lực học đường; An toàn giao thông; Phòng chống ma túy. Ông đã chọn những câu chuyện có thật trong đời sống để chuyển tải vào trong kịch bản, những tình huống đặt ra và mức hình phạt (có lồng ghép tuyên truyền pháp luật) nhằm xoáy sâu vào nhận thức của học sinh.

Thời gian qua, 3 kịch bản phiên tòa giả định của ông San được tổ chức tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn huyện Long Thành và đã thu hút hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, đã giúp cho các em trang bị những kiến thức cần thiết để phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho mình.

Bên cạnh đó, ông San còn thực hiện sáng kiến Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL tại cộng đồng dân cư qua hình thức sân khấu hóa các tiểu phẩm pháp luật. Chia sẻ về ý tưởng này, ông San cho hay, từ chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện Long Thành, ông San sáng tác nhiều kịch bản pháp luật để tham gia các hội thi do các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức và đều đoạt giải nhất như: Người thừa kế, Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, Nghĩa tình nhà nông, Giỏ trái cây nghĩa tình… Đặc biệt, tiểu phẩm Hạnh phúc thời dự án đã đoạt giải nhì toàn quốc trong Hội thi Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức năm 2018.

Tích cực đóng góp cho ngành tư pháp
Theo ông San, kịch bản khiến ông tâm đắc, dành nhiều thời gian, công sức đầu tư là tiểu phẩm viết về chuyên đề phòng, chống tham nhũng. Bởi đây là vấn đề lớn, quan trọng nên việc chọn câu chuyện vừa sát với thực tế, vừa đi vào lòng người thì không dễ dàng chút nào.

Sau nhiều lần trăn trở suy nghĩ, ông San quyết định viết tiêu phẩm Dòng xoáy đồng tiền, nói về người đàn ông làm trong cơ quan nhà nước ổn định, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng sống rất hạnh phúc bên vợ và con. Khi được cất nhấc lên vị trí công việc quan trọng, người này bắt đầu có hành vi tham nhũng, “cặp bồ” bên ngoài và lơ là vợ, con. Người vợ thiếu thốn tình cảm rồi “cặp bồ” với người đàn ông khác. Khi thấy cha mẹ sống không hạnh phúc, người con học lớp 12 buồn rầu và lao vào con đường hút chích ma túy... Hậu quả, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, người con chết vì bị sốc ma túy, người chồng phải vào tù vì tội tham nhũng.

“Ban đầu, tôi viết phần kết câu chuyện theo hướng mở để các thành viên trong gia đình có cơ hội sửa sai và cùng nhau hàn gắn tình cảm trước đây. Nhưng câu chuyện chỉ dừng lại việc cảnh báo như vậy chỉ mang tính chung chung, không gây kịch tính thì người xem mau quên và sức lan tỏa không có. Do vậy, tôi quyết định chuyển hướng sang phần kết thật bi thảm để đánh động đến lòng người. Tiểu phẩm đã đoạt giải nhất Cuộc thi Phòng chống tham nhũng do UBND tỉnh tổ chức năm 2020” - ông San cho hay.

Ngoài ra, ông San còn sáng kiến Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật qua hình thức thành lập Hội đồng tư vấn, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Mục đích của việc thành lập hội đồng nhằm giúp UBND huyện Long Thành rà soát nội dung văn bản thật kỹ trước khi ban hành. Nhờ đó, các văn bản được ban hành trong thời gian qua cơ bản đều đảm bảo.

Đến nay, ông San đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương như: bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào năm 2023; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2019-2023; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021…

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây